Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Tăng cường gắn kết và thống nhất ASEAN

15:12' - 05/12/2019
BNEWS Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên, cụ thể, duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN.

Trao đổi tại Hội thảo quốc tế “Duy trì hòa bình trong thời kỳ biến động: Hướng tới khả năng thích ứng và tự cường cao hơn của khu vực” trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 12 của Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) diễn ra tại Hà Nội, ngày 5/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên từ ngày 1/1/2020. Việt Nam đã lựa chọn Chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nêu rõ, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên, cụ thể, duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN.

Bên cạnh đó, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết kinh tế sâu rộng, kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác.

Ngoài ra, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng, nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc, luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Cuối cùng, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

Trao đổi thông tin bên lề Hội thảo, ông Ric Smith, đồng Chủ tọa Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương Australia cho biết, châu Á-Thái Bình Dương đang mở ra một kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược và toàn diện mới giữa các cường quốc trên các lĩnh vực từ chính trị, quân sự đến kinh tế, công nghệ và các lĩnh vực khác.

Đây được so sánh như một cuộc thi, sự cạnh tranh lành mạnh, tác động trực tiếp đến tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có ASEAN và Việt Nam.

Với vai trò Năm Chủ tịch ASEAN 2020, ông Ric Smith hy vọng ASEAN sẽ có những bước đi linh hoạt và cởi mở hơn, trong đó Việt Nam cần phát huy vai trò, liên kết chặt chẽ các quốc gia thuộc khối ASEAN, tạo nên một tổ chức vững mạnh để có thể cùng nhau vượt qua những thách thức trong giai đoạn hiện nay.

ASEAN đã và đang chứng kiến những diễn biến thay đổi ở một số nơi thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đánh dấu bước ngoặt trong hướng đi hiện tại của khu vực.

Phải đối mặt với nhiều thách thức, ASEAN vẫn kiên định và quyết tâm trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực, cùng nhau giải quyết các thách thức chung.

Tiến sĩ Poy Sothirak, Giám đốc điều hành Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia đánh giá cao kết quả cuộc họp Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 12 cũng như vai trò của ASEAN trong việc góp phần đảm bảo hòa bình, hợp tác và an ninh trong khu vực.

Tiến sĩ Poy Sothirak tin tưởng, với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ phát huy vai trò của ASEAN trong duy trì hòa bình, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, đảm bảo an ninh và phát triển khu vực, ASEAN sẽ hùng mạnh hơn trong tương lai, tạo liên kết vững chắc với các nước khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản…

Qua đó, Việt Nam có thể cùng các quốc gia khác giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN và quốc tế trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục