Nam Phi công bố kế hoạch thắt chặt chi tiêu công

11:31' - 27/02/2020
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Tito Mboweni ngày 26/2 đã công bố kế hoạch thắt chặt chi tiêu của chính phủ.
Máy bay của Hãng hàng không quốc gia Nam Phi South Africa Airways (SAA). Ảnh: Phi Hùng/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Tito Mboweni ngày 26/2 đã công bố kế hoạch thắt chặt chi tiêu của chính phủ, bao gồm khoản cắt giảm lớn đối với tiền lương của khu vực công, trong nỗ lực giúp nước này tránh một cuộc khủng hoảng tài chính.
Trong bài phát biểu về ngân sách thường niên trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Mboweni tuyên bố sẽ đề xuất một luật mới để ngăn chặn việc chi trả mức lương quá cao trong các cơ quan thuộc khu vực công của nước này.

Khoản tài chính phục vụ các cơ quan này hiện chiếm tới hơn 30% chi tiêu công của Nam Phi sau khi tăng gần 40% trong hơn một thập niên qua.
Ông Mboweni đã đề xuất cắt giảm khoảng 160 tỷ rand (10,5 tỷ USD) tiền lương của công chức trong vòng ba năm tới, tương đương mức giảm khoảng 9% trong năm đầu tiên thực hiện.
Các biện pháp tiết kiệm chi phí khác sẽ bao gồm yêu cầu tất cả các quan chức chính phủ đi vé máy bay hạng phổ thông trên các chuyến bay nội địa.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao sẽ đóng cửa hoặc hợp nhất một số cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, bên cạnh việc cắt giảm nhân viên của mình.
Song ngoài những nỗ lực kiềm chế chi tiêu của nhà nước, Bộ trưởng Mboweni cũng cam kết chi 60 tỷ rand (3,9 tỷ USD) cho công ty điện lực quốc gia đang gặp khó khăn của Nam Phi là Eskom cũng như hãng hàng không South African Airways đang gặp khó khăn về tài chính.
Trong bài phát biểu, ông Mboweni cũng đưa ra dự báo nguồn thu chính phủ dự kiến đạt 1.580 tỷ rand (khoảng 100 tỷ USD), tương đương 29,2% GDP trong năm tài chính 2020 – 2021 (kết thúc vào tháng 3/2021). Chi tiêu chính phủ dự kiến ở mức 1.950 tỷ rand (khoảng 130 tỷ USD), tương đương 36% GDP.

Điều này có nghĩa là thâm hụt ngân sách của Nam Phi vào khoảng 370 tỷ rand (khoảng 30 tỷ USD), tương đương 6,8% GDP vào năm tài chính 2020 -2021.
Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra dự thảo ngân sách của ông Mbowen sẽ bị Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Moody’s hiện là cơ quan xếp hạng lớn duy nhất vẫn xác định mức tín nhiệm của Nam Phi ở hạng đầu tư.

Trước đó, hai cơ quan xếp hạng khác là Fitch và S&P đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nam Phi xuống mức “rác” trong năm 2017.
Giới quan sát nhận định nếu Nam Phi bị hạ bậc tín nhiệm, sẽ có cuộc “tháo chạy” khỏi thị trường trái phiếu của quốc gia, cũng như gia tăng thêm áp lực lên đồng nội tệ rand.
Theo các tài liệu được công bố kèm theo dự thảo ngân sách, nền kinh tế của Nam Phi dự kiến sẽ tăng 0,9% trong năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng đang dần tiến tới mức 30%, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục