Năm vấn đề đáng lưu tâm về TPP

06:30' - 15/11/2015
BNEWS Theo "Thời báo Tài chính" (Anh), trong hàng nghìn trang tài liệu, chỉ có năm vấn đề cốt lõi mà các nước cần phải lưu tâm khi nghiên cứu, xem xét và triển khai TPP.
Ảnh minh họa. (Nguồn: alochonaa.com)

TPP đã khơi thông niềm hy vọng về một tương lai sáng lạn của khu vực mậu dịch chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), trong hàng nghìn trang tài liệu mới được các nước công bố, chỉ có năm vấn đề cốt lõi mà các nước cần phải lưu tâm khi nghiên cứu, xem xét và triển khai TPP.

Thứ nhất, lộ trình hướng tới mục tiêu mậu dịch tự do còn rất dài.

Khi bắt đầu những phiên đàm phán sơ bộ, các nước thành viên TPP đã sớm cam kết sẽ xóa bỏ tất cả hàng rào thuế quan. Trong khuôn khổ TPP, thuế suất đánh vào hàng nghìn chủng loại hàng hóa sẽ được dỡ bỏ.

Theo tính toán của Mỹ, có khoảng 18.000 dòng thuế như vậy. Nhưng nếu đi đến tận cuối con đường để hoàn thành mục tiêu thiết lập khu vực mậu dịch tự do, thì cũng phải mất hàng thập kỷ.

Mức thuế 2,5% hiện nay đánh vào ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản trên thị trường Mỹ sẽ giảm xuống 2,25% sau 15 năm, và cần thêm 10 năm nữa để về 0%.

Trong khi đó, mức thuế 25% đối với xe tải nhập từ Nhật Bản vẫn được giữ nguyên trong khoảng thời gian 30 năm kể từ khi TPP có hiệu lực.

Các nhà sản xuất sô-cô-la sữa của Canada cũng phải lâm vào hoàn cảnh tương tự. Sản phẩm của họ xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 4,3% cộng với 37,2 xu/kg trong vòng 30 năm.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề thuế quan, Mỹ vẫn là nước bảo hộ mậu dịch lớn nhất và ngành công nghiệp ô tô của họ được hưởng lợi nhiều nhất.

Thứ hai, TPP sẽ tạo đà cho "nền kinh tế kỹ thuật số" và các ngành công nghiệp công nghệ cao vươn lên chiếm ưu thế.

Nhiều luật lệ mới được áp dụng nhằm đảm bảo rằng các công ty có thể gửi dữ liệu thông tin qua biên giới một cách tự do.

TPP cũng cấm chính phủ các nước thành viên yêu cầu công ty đặt "thiết bị điện toán", ví dụ như máy chủ, ở nước sở tại. Những luật lệ "nội địa hóa" mà các công ty điện toán đám mây coi là rào cản của thương mại cũng sẽ được bãi bỏ.

Thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài được phép kiện chính phủ, nhưng đây sẽ là một tiến trình phức tạp và khó khăn.

Nhiều người lên tiếng chỉ trích việc TPP cho phép công ty nước ngoài kiện chính phủ tại hội đồng trọng tài. Vấn đề này đang châm ngòi cho những cuộc tranh cãi.

Giới doanh nghiệp cho rằng việc đề cập đến cơ chế "giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ (ISDS)" trong TPP là rất quan trọng nhằm bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài tại tòa án địa phương. TPP thiết lập bộ quy tắc ứng xử cho các trọng tài, và yêu cầu toàn bộ tiến trình xử lý theo ISDS phải được công khai.

Thứ tư, TPP áp đặt luật lệ mới cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn có miễn trừ đáng quan tâm.

Theo giải thích từ phía Mỹ, mục tiêu của TPP khá tham vọng khi đề cập đến doanh nghiệp nhà nước.

Đó là giải quyết một cách triệt để và toàn diện những mâu thuẫn, cạnh tranh giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong môi trường thương mại và đầu tư toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp nhà nước được hưởng miễn trừ, ví dụ như quỹ đầu tư GIC và Temasek Holdings của Singapore, hay Permodalan Nasional Berhad của Malaysia.

Thứ năm, TPP vẫn chưa đủ sức mạnh để thuyết phục những người chỉ trích.

Tổng thống Mỹ Barack Obama miêu tả TPP là hiệp định "tiến bộ nhất" từ trước tới nay. Không có gì ngạc nhiên khi ông đề cập nhiều đến các điều khoản liên quan đến lao động và môi trường, bởi đây chính là điểm vô cùng quan trọng đối với đảng Dân chủ của ông.

Tuy nhiên, trên thực tế, TPP đã không nhắc đến biến đổi khí hậu trong chương nói về môi trường.

Chỉ có một dòng ngắn ngủi: "Các nước TPP nhận thức được rằng nỗ lực chuyển đổi sang một nền kinh tế khí thải thấp cần phải có hành động tập thể". Điều này châm ngòi cho những chỉ trích gay gắt từ các nhóm hoạt động môi trường.

Lê Phương (TTXVN tại London)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục