Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam

13:49' - 05/12/2017
BNEWS Dù ngành thủ công mỹ nghệ ngày càng phát triển nhưng chuỗi cung ứng và cơ cấu phân phối phức tạp đã cản trở tăng trưởng thu nhập thực tế của người dân ở khu vực nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ngày 5/12, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Lễ ký kết và Hội thảo giới thiệu Dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam” sẽ được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2017-2020.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, ngành công nghiệp thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hơn nữa, ngành đóng góp lớn cho sự phát triển của các vùng nông thôn, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Không những vậy, ngành thủ công mỹ nghệ cũng góp phần giảm khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn và giảm đói nghèo.

Việc mở rộng các hoạt động xuất khẩu và thương mại các kênh bán buôn và bán lẻ, tăng cường hệ thống thương mại điện tử và phát triển sản xuất là những hoạt động có ý nghĩa đóng góp cho sự phát triển của ngành.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, dù ngành thủ công mỹ nghệ ngày càng phát triển nhưng chuỗi cung ứng và cơ cấu phân phối phức tạp đã cản trở tăng trưởng thu nhập thực tế của người dân ở khu vực nông thôn.

Hơn nữa, công tác thiết kế, nhất là thiết kế mẫu mã, tạo dáng sản phẩm, bao bì sản phẩm, thiết kế đồ họa và thương hiệu có vai trò quan trọng, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, đóng góp vào sự thành công trong kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng hiện vẫn đang còn kém phát triển ở Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã giao cho Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với KOICA và các đối tác Hàn Quốc triển khai dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam”.

Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án, hai bên sẽ phối hợp xây dựng và thành lập Trung tâm hợp tác thiết kế Việt Nam-Hàn Quốc, tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực thiết kế và kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà thiết kế trong và ngoài nước.

Đồng thời, dự án cũng sẽ thành lập và vận hành kênh thương mại điện tử, hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm thủ công nghiệp ra nước ngoài, nhất là thị trường Hàn Quốc.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung giới thiệu các hoạt động cụ thể của dự án, cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của thiết kế trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng đó đưa ra các giải pháp phát triển thiết kế và kênh thương mại điện tử nhằm nâng cao giá trị của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mạị, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới, đòi hỏi Cục Xúc tiến thương mại phải liên tục đổi mới để bắt kịp nhu cầu doanh nghiệp.

Đồng thời, phải đi tiên phong trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu phát triển những năng lực mới, những năng lực nền tảng để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, nhất là những đổi mới sáng tạo.

Ông Tạ Hoàng Linh cho rằng, Cục Xúc tiến thương mại đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và các nhà thiết kế Việt Nam.

Bên cạnh đó, hàng loạt khám phá ấn tượng của một thế hệ doanh nghiệp và doanh nhân, các nhà thiết kế mới khao khát vươn lên để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ những sản phẩm xuất khẩu chủ lực có thế mạnh của Việt Nam.

Đặc biệt, các doanh nghiệp này đã chú trọng vào thiết kế và xây dựng thương hiệu để có thể tham gia vào liên kết chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc triển khai dự án hy vọng sẽ đem lại nhiều kết quả thiết thực, nâng cao năng lực thiết kế và xuất khẩu cho các doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và góp phần tăng trưởng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục