Nâng cao hiệu quả giám sát để tránh rủi ro hệ thống tài chính

13:43' - 01/12/2023
BNEWS Cấu trúc của thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, vẫn lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn cung ứng từ hệ thống ngân hàng.

Ngày 1/12, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã phối hợp cùng Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức Hội thảo quốc tế “Thị trường tài chính Việt Nam: Cơ hội và thách thức”. Hội thảo trong khuôn khổ Dự án tăng cường quản lý rủi ro và cảnh báo sớm khu vực tài chính (tài trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc qua Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc – (KOICA).

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, mặc dù kinh tế trong nước 11 tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, khu vực doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, tăng trưởng xuất, nhập khẩu nhìn chung vẫn giảm, thu ngân sách nhà nước giảm; giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tăng cả về tổng giá trị và tỷ lệ giải ngân nhưng vẫn chậm so với yêu cầu. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu; rủi ro của hệ thống ngân hàng ngày càng gắn kết chặt chẽ với rủi ro của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, thị trường chứng khoán và bất động sản; trong khi đó thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 

Trong thời gian tới, ông Vũ Như Thăng cho rằng, hệ thống tài chính Việt Nam đứng trước những thách thức như: Cấu trúc của thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, vẫn lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn cung ứng từ hệ thống ngân hàng. Chất lượng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng suy giảm, nợ xấu tăng do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và người dân giảm. Thị trường vốn còn nhiều hạn chế, các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán chậm được cải thiện, đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn mất cân đối trong loại hình và lĩnh vực phát hành và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong năm tới khi khối lượng trái phiếu đáo hạn tăng mạnh trong giai đoạn 2023-2024.

Chia sẻ thêm về những rủi ro, thách thức đối với hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2023 và năm 2024, ông Dương Hồng Hà, Phó Trưởng ban Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó các đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam như Mỹ, EU, Anh … có thể tiếp tục gặp khó khăn, cầu tiêu dùng và nhập khẩu bị suy giảm, điều này sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, làm suy yếu khả năng trả nợ của doanh nghiệp, qua đó gián tiếp tác động đến chất lượng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các rủi ro khác như xu hướng gia tăng rủi ro liên thông giữa hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản; rủi ro chéo giữa các khu vực của thị trường tài chính; tình hình tài chính của các tổ chức tài chính tín dụng yếu kém, chậm cải thiện; các vấn đề pháp lý về xử lý nợ xấu chậm hoàn thiện…

Bà Tô Thị Hồng Anh, Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến nghị để đảm bảo chính sách an toàn vĩ mô tại Việt Nam cần quy định chặt chẽ hơn cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan giám sát trong hệ thống tài chính. Bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ổn định tiền tệ tài chính nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.

Để tiếp tục hỗ trợ hệ thống tổ chức tín dụng phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả trong giai đoạn tới, ông Dương Hồng Hà cho rằng, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động của các tổ chức tín dụng theo hướng sửa đổi, bổ sung các quy định về người có liên quan, ngăn ngừa sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là tín dụng phục vụ các mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế nợ xấu phát sinh mới.  Ngoài ra, cần đổi mới và tăng cường công tác giám sát theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vĩ mô và giám sát an toàn vi mô. Nâng cao khả năng phát hiện, phân tích và cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa rủi ro, khủng hoảng có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn, ổn định của hệ thống tiền tệ, ngân hàng.

Hội thảo cũng được tiếp cận kinh nghiệm của Hàn Quốc đối với việc xây dựng mô hình đánh giá sức chống chịu của hệ thống ngân hàng. Theo đó, chuyên gia từ Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) đã giới thiệu ba công cụ giám sát an toàn vĩ mô được sử dụng tại FSS gồm: (i) mô hình kiểm tra sức căng để đánh giá khả năng phục hồi và sự ổn định của hệ thống tài chính (STARS); (ii) hệ thống cảnh báo sớm (EWS); (iii) công cụ giám sát an toàn vĩ mô (K-SuperCast) để hỗ trợ mô hình STARS và EWS, và đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục