Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là vấn đề then chốt

18:52' - 25/06/2019
BNEWS Trước thềm sự kiện Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, chiều 25/6, tại Hà Nội, 2 vị Đồng Chủ tịch VBF đã tổ chức gặp gỡ báo chí giới thiệu khái quát các nội dung sẽ được đề cập tại diễn đàn.

Dự kiến sự kiện thu hút gần 600 đại biểu là đại diện các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

  ÔngVũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

VBF là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Với chủ đề: Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững, VBF giữa kỳ 2019 sẽ có 3 phiên làm việc với phần báo cáo của các nhóm công tác về đầu tư - thương mại, thuế - hải quan, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, điện - năng lượng, thị trường vốn, giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực và du lịch.

Nhiều nội dung sẽ được đề cập như: nới lỏng các quy định để đẩy mạnh phát triển nhanh gắn với bền vững; phát triển chuỗi cung ứng xanh toàn cầu - các khía cạnh về quản trị và môi trường; tiếp tục cải thiện thủ tục hải quan để cạnh tranh với các nước láng giềng; giải quyết các quy định gây cản trở việc mở rộng hoặc đầu tư mới; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế bền vững và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh; tiêu chí phát triển cơ sở hạ tầng nhanh và bền vững bao gồm năng lượng, PPP, xử lý chất thải và giao thông công cộng; tăng cường tiếp cận thị trường vốn Việt Nam một cách bền vững, phát triển Chính phủ điện tử và nền kinh tế số... 

Trả lời báo chí về chủ đề của diễn đàn VBF giữa kỳ 2019, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng Chủ tịch VBF cho biết, đây là chủ đề phù hợp với yêu cầu hiện nay của nền kinh tế Việt Nam.

Nhất là trong giai đoạn đòi hỏi phải đổi mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng đầu tư, chất lượng phát triển doanh nghiệp nói riêng và chất lượng phát triển chung của toàn nền kinh tế.

Phát triển nhanh và bền vững là một trong những yêu cầu quan trọng, theo đó phải đảm bảo cân đối, hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội  và môi trường. Phát triển hôm nay không để lại gánh nặng cho con cháu ngày mai. Phát triển đặt con người ở vị trí trung tâm mà không "làm đau" trái đất.

Đó là một con đường phát triển của tất cả các nền kinh tế trên thế giới và đã được nguyên thủ của các quốc gia công bố trong những tuyên bố chung của Liên Hợp quốc. Đây cũng là con đường Việt Nam đã chọn và cũng là con đường bắt buộc phải đi theo nếu muốn phát triển và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Sau những kỳ VBF được tổ chức trước đây, ông Lộc cũng cho biết, đã có hơn 60% đề xuất của VCCI, các hiệp hội cùng cộng đồng doanh nghiệp gửi lên Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành kiến nghị về nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn đã được giải quyết.

Đây là nỗ lực lớn đáng được ghi nhận và cũng thể hiện tính cầu thị và quyết tâm gây dựng một Chính phủ kiến tạo thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp.   

Tuy nhiên, gánh nặng hậu đăng ký kinh doanh, cải cách và giải quyết các điểm nghẽn của thủ tục hành chính vẫn là điều đa số cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cấp, ngành tiếp tục quan tâm xử lý, cho dù, về thủ tục đăng ký kinh doanh cũng đã thuận lợi hơn so với trước.

Theo ông Lộc, điểm nghẽn về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch đất đai, tài nguyên môi trường. Thực tế, cũng đang có một số dự án tại địa phương bị ách tắc do thủ tục hành chính. Thủ tục xuất nhập khẩu, thuế cần tiếp tục thay đổi.

Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho thấy, quản trị doanh nghiệp Việt Nam đang xếp cuối cùng trong 6 nền kinh tế hàng đầu của ASEAN.

Việc nâng cao trình độ quản trị của doanh nghiệp Việt Nam và nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh là những nhiệm vụ hàng đầu mà các cơ quan chức năng và Chính phủ cần ưu tiên giải quyết.

Phải sớm có các biện pháp thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn; đồng thời, có biện pháp đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phản ánh tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, bà Bà Virginia B. Foote, Đồng Chủ tịch của VBF cho biết, các doanh nghiệp FDI hiện mong muốn sự thay đổi để có thể được đảm bảo về chính sách pháp lý và sự an toàn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, hệ thống xử lý tranh chấp hợp đồng rất chậm, chưa đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp; đồng thời, cần tăng cường các thiết chế pháp lý để đảm bảo môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi mà còn an toàn.

Cả hai vị Chủ tịch VBF đều thống nhất quan điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là vấn đề then chốt, cốt lõi vào lúc này, nếu thực sự mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam gặt hái được nhiều thành công. 

Một trong những chủ đề khác cũng được đề cập trong VBF giữa kỳ năm 2019 là vấn đề hợp tác công tư (PPP) theo hướng phát triển bền vững. Đây cũng chính là chìa khoá phát triển hiện nay.

Bởi, với vị trí là điểm đến trung tâm của nhu cầu đầu tư hướng Nam (từ các nước châu Á) và hướng Đông (từ các nước phương Tây), Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn để phát triển  cơ sở hạ tầng. Đây cũng là khu vực nhiều tiềm năng và ít rủi ro, ông Lộc nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục