Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thủ công mỹ nghệ của doanh nghiệp Việt

20:20' - 05/09/2018
BNEWS Hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ta đang bị tụt bậc do mẫu mã đơn điệu, giá thành cao hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc…

Ngày 5/9, tại tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thương hiệu làng nghề (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủ công mỹ nghệ trong điều kiện hội nhập với sự tham gia của gần 200 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành và đại diện một số Hiệp hội Làng nghề, làng nghề, hợp tác xã cùng đông đảo các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Đặng Huy, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, thủ công mỹ nghệ của nước ta là một trong số ngành được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển bền vững, xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao.

Hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ta đang bị tụt bậc do mẫu mã đơn điệu. Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN

Tuy nhiên, hiện nay hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ta đang bị tụt bậc do mẫu mã đơn điệu, giá thành cao hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc…

Do vậy, khó khăn đặt ra cho ngành thủ công mỹ nghệ trong nước chính là sức cạnh tranh. Giá hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta xuất sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… đều không thể cạnh tranh về giá so với một số quốc gia trong khu vực.

Trước thực trạng này, tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận tập trung xoay quanh các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, như cần thiết liên kết xây dựng cụm sản xuất; nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân về xây dựng thương hiệu; cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ, chống hàng giả, hàng nhái, đồng thời bảo vệ các ý tưởng sáng tạo, độc đáo của các nghệ nhân; có định hướng trong sản xuất thủ công mỹ nghệ, phân biệt giữa các sản phẩm thủ công đáp ứng thị hiếu của thị trường với số lượng lớn, giá cả hợp lý với các sản phẩm tinh xảo, cao cấp; đa dạng hóa các mặt hàng và hình thức xuất khẩu…

Theo ông Bạch Quốc Khang, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội làng nghề Việt Nam: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tại nước ta là vấn đề cấp thiết, có tính sống còn đối với kinh tế nông thôn nói riêng, kinh tế xã hội của đất nước nói chung. Để giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc của cả xã hội, doanh nghiệp, con người và nhà nước trong việc đổi mới thể chế, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ và kết cấu hạ tầng, xây dựng các mô hình liên kết…

Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương tỉnh, huyện, xã cũng cần quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, làm tốt công tác quy hoach, hỗ trợ tổ chức các liên kết sản xuất - tiêu thụ, xử lý bảo vệ môi trường sinh thái kết hợp với xây dựng nông thôn mới, tạo lập miền quê đáng sống để tăng cường liên kết du lịch, quảng bá thương hiệu địa phương…”.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam, Nghệ nhân Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh chia sẻ: “Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp trong nước đều phải chịu tác động không nhỏ trong sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên để bước qua những khó khăn, trở lại đà phát triển ổn định, doanh nghiệp của tôi đã thực hiện ba giải pháp chính gồm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới sáng tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới; nâng cao quản trị nguồn nhân lực; hợp lý hóa trong quá trình sản xuất. Hiện nay, 95% sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang thị trường: Nhật, Australia, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Tây Ban Nha…”

Để khuyến khích ngành thủ công mỹ nghệ nói chung, đặc biệt là các làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức sản xuất tại các làng nghề hiện nay bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trên cơ sở vẫn giữ được các yếu tố văn hóa truyền trống trong sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần thành lập hợp tác xã kiểu mới, tạo cầu nối giữa các cá nhân, tập thể trong làng nghề tạo mối liên kết bền vững trong quy trình sản xuất, tiêu thụ như vốn, nguyên liệu, quảng bá sản phẩm, thị trường…

Theo số liệu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có gần 5.500 làng nghề, tạo ra khối giá trị hàng hóa lớn nhưng chưa gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên phụ liệu đến sản xuất và tiêu thụ, khiến thu nhập của người sản xuất thấp và khâu trung gian hưởng lợi lớn. Điều này khiến cho ngành thủ công mỹ nghệ nước ta vẫn chưa thực sự khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới cả về giá trị xuất khẩu cũng như thương hiệu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục