Năng lượng hạt nhân - nguy cơ và tiềm năng

19:05' - 16/04/2016
BNEWS G7 ra "Tuyên bố Hiroshima" tái khẳng định cam kết tìm kiếm một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người và tạo điều kiện cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Washington (Mỹ). Ảnh: Reuters

Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng cảnh báo rằng “nhiệm vụ này đã trở nên phức tạp hơn bởi môi trường an ninh đang xấu đi ở một số khu vực, như Syria, cũng như việc CHDCND Triều Tiên tiếp tục thực hiện các vụ phóng tên lửa gây lo ngại cho dư luận quốc tế”.

Mới đây ngày 9/4, CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công một động cơ được thiết kế cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà sẽ "đảm bảo" cho một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ.

Thông tin này gây ra không ít lo ngại cho dù CHDCND Triều Tiên đã được mời tham dự hội nghị cấp bộ trưởng ở Vienna (Áo) vào tháng Sáu tới nhằm kỷ niệm 20 năm kể từ khi các quốc gia bắt đầu ký kết Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT). Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng được mời tham dự một hội nghị cấp cao của Ủy ban trù bị CTBT.

CTBT được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1996, hiện đã được 183 quốc gia đã ký kết và 164 quốc gia thông qua. Tuy nhiên, 44 quốc gia có các lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu hoặc sản xuất điện phải ký kết và thông qua CTBT để hiệp ước này có hiệu lực.

Hiện có tám quốc gia chưa thực hiện điều này bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Triều Tiên và Pakistan.

Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh về An ninh hạt nhân (NSS) lần thứ tư tại thủ đô Washington (Mỹ) cũng nhận nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hai quốc gia có chương trình hạt nhân gây tranh cãi là Iran và CHDCND Triều Tiên đang ở tình cảnh hoàn toàn khác nhau.

Trong khi Iran đã được các cường quốc phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt, mở đường cho việc quay lại thị trường quốc tế thì CHDCND Triều Tiên tiếp tục khiến dư luận thế giới lo ngại với các vụ phóng tên lửa trong thời gian qua. 

Với các chủ đề “Mối đe dọa đối với an ninh hạt nhân”; “Hành động của các quốc gia nhằm tăng cường an ninh hạt nhân”; “Các biện pháp thể chế và hành động quốc tế về tăng cường an ninh hạt nhân”, hội nghị trên hướng tới củng cố ý chí chính trị ở cấp cao và tăng cường phối hợp hành động giữa các quốc gia trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân và ngăn chặn khủng bố hạt nhân.

Hội nghị cũng thông qua Thông cáo của Hội nghị cấp cao và Kế hoạch hành động đối với năm tổ chức và sáng kiến quốc tế trên lĩnh vực này nhằm tránh trước những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe.

Một điểm nhấn ở hội nghị lần này là các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định các cam kết ở mức cao nhất, không chỉ với tăng cường an ninh hạt nhân (liên quan các loại bom nguyên tử và khinh khí), mà với cả  việc bảo vệ các vật liệu phóng xạ cùng chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.

Bên cạnh đó là mối quan ngại từ nguy cơ khủng bố hạt nhân toàn cầu, nổi lên là mối hiểm họa từ việc các lực lượng thánh chiến, đặc biệt là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, sở hữu bom bẩn phóng xạ.

Mặc dù IS khó có khả năng phát triển bom hạt nhân, song lực lượng này có thể chế tạo bom bẩn phóng xạ, loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe.

Theo các nhà quan sát, các nhiệm vụ đặt ra cho Hội nghị thượng đỉnh NSS lần thứ tư này quả là rộng lớn, mới mẻ và nặng nề, đòi hỏi sự nổ lực to lớn của tất cả quốc gia trên thế giới nhằm đảm bảo sự an toàn và phát triển chung cho một tương lại bền vững.

Tình trạng sử dụng năng lượng hạt nhân trên thế giới hiện nay vẫn nhận được các ý kiến trái chiều, nhiều người ủng hộ việc sản xuất năng lượng hạt nhân trong khi một số khác lại không đồng tình vì nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường và sức khỏe con người.

Năng lượng hạt nhân ngày càng đóng góp lớn hơn vào sự phát triển của kinh tế thế giới. Ảnh: Reuters

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hiện có hơn 400 lò phản ứng năng lượng hạt nhân thương mại đang hoạt động ở 31 nước, với công suất trên 370.000 MW. Bên cạnh dó, khoảng 70 lò phản ứng đang trong quá trình xây dựng.

Các nhà máy điện hạt nhân cung cấp hơn 11% sản lượng điện năng của thế giới một cách liên tục, nguồn phụ tải đáy đáng tin cậy, không gây phát thải khí CO2. Năm mươi sáu nước đang vận hành khoảng 240 lò phản ứng nghiên cứu và hơn 180 lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho khoảng 150 tàu và tàu ngầm.

Mỹ, Nga và Pháp được xem là các cường quốc điện hạt nhân nổi bật nhất. Mỹ đứng đầu với khoảng 104 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành với tổng công suất phát điện đạt 101.465 MW và năm lò đang xây dựng với tổng công suất dự kiến là 5.633 MW.

Vị trí thứ hai thuộc về Pháp với 58 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành sản xuất với tổng công suất phát điện đạt 63.130 MW và một lò đang xây dựng loại công suất lớn nhất hiện nay với công suất phát điện 1.600 MW.

Tiếp theo là Nga với 38 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành với tổng công suất phát điện đạt 23.643 MW và 10 lò đang xây dựng với tổng công suất dự kiến là 8.382 MW.

Hiện có 16 nước có sản lượng điện hạt nhân chiếm 1/4 tổng sản lượng điện trở lên. Khoảng 1/3 nguồn điện năng của của Bỉ, CH Czech (Séc), Hungary, Slovakia, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Slovenia và Ukraine, Hàn Quốc, Bungari và Phần Lan là từ năng lượng hạt nhân. Còn Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha và Liên bang Nga có gần 1/5 nguồn điện năng từ năng lượng hạt nhân.

Nhật Bản từng dựa vào năng lượng hạt nhân (đáp ứng hơn 1/4 tổng sản lượng điện) và dự kiến sẽ quay trở lại mức đó. Trong số các nước không còn nhà máy điện hạt nhân hoạt động, Italy và Đan Mạch có khoảng 10% điện năng là mua điện hạt nhân.

Trong tương lai, Chính phủ Trung Quốc dự kiến tăng công suất phát điện lên 58 GW. Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành 17 lò phản ứng hạt nhân mới trong giai đoạn 2002-2013, và khoảng 30 lò phản ứng hiện đang được xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng.

Trong khi mục tiêu của Ấn Độ là có 14,5 GW công suất điện hạt nhân lên lưới điện tới năm 2020 như một phần của chính sách năng lượng nước, thì Nga dự kiến tăng công suất năng lượng hạt nhân lên 30,5 GW tới năm 2020, sử dụng các lò phản ứng nước nhẹ vào loại tốt nhất trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục