Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững

20:14' - 11/01/2018
BNEWS Ngày 11/1, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với tổ chức USAID, đại sứ quán Nhật Bản, Australia tổ chức Hội thảo chuyên đề "Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững".
 Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Nguyễn Văn Bình. Ảnh: TTXVN

Hội thảo này nằm trong chuỗi sự kiện của "Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2".

Phát biểu tại Hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tất cả các nước trên thế giới.

Hiện nay, các nguồn nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước.

Tuy nhiên, nguồn năng lượng hoá thạch có hạn, việc sử dụng nhiều năng lượng hoá thạch có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát khí gây hiệu ứng nhà kính.
Do đó, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo và khắc phục được các hạn chế trên như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt hay năng lượng từ sinh khối, năng lượng sinh học là một nhu cầu tất yếu.

"Phát triển năng lượng xanh ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi khá nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng.

Nhiều quốc gia đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, sách lược, chính sách phát triển năng lượng xanh với tầm nhìn dài hạn, tập trung nhiều các nguồn lực về con người, khoa học - công nghệ và tài chính - tín dụng... hướng tới nền kinh tế các bon thấp, bền vững và thân thiện với môi trường" - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Ông John Kerry, Chủ tịch danh dự Quỹ Hoà bình Quốc tế Carnegie nói, biến đổi khí hậu đang diễn ra khắp nơi trên thế giới khiến nhiều người dân đã phải rời quê nhà khi họ không đủ lương thực, không đảm bảo cuộc sống.
Ông John Kerry cho biết, ông đã đến Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương và được các nhà khoa học cho biết các tảng băng lớn, sâu 2 - 3 km đang tan ra đại dương và hiện tượng này đang gia tăng. Những cơn bão lớn, hiện tượng tự nhiên bất thường đã xuất hiện 5 năm 1 lần và thường xuyên hơn.

Những điều đó bắt nguồn từ việc chúng ta chưa có lựa chọn thông minh sử dụng năng lượng hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, than đá đang đóng góp lớn nhất cho rác thải hiệu ứng nhà kính, năng lượng “bẩn nhất”.
“Giải pháp chống biến đổi khí hậu là sử dụng năng lượng thông minh bằng việc đưa ra các quyết định phù hợp đắn trong đầu tư cho tương lai.

Chính phủ Việt Nam đang muốn hướng tới nền tảng năng lượng khác biệt, trong khi duy trì tăng trưởng kinh tế, dịch chuyển thông minh điện lưới để cung cấp đủ năng lượng cho phát triển và đó là vị thế tuyệt vời để đưa ra lựa chọn thông minh hơn.

Bởi lẽ, các cam kết về nguồn lực cho đầu tư, sử dụng điện than trong 30 năm tới là khó khăn khi mà thế giới đang quay lưng”, ông John Kerry nói.
Cũng theo ông John Kerry, Việt Nam cần đầu tư sử dụng điện từ năng lượng mặt trời, điện gió, khí đốt, nhiệt điện. Việt Nam cũng cần có những chính sách cởi mở, tạo ra lộ trình năng lượng mặt trời trong cách tiếp cận tổng thể.

"Tôi có niềm tin vững chắc, mạnh mẽ than đá không rẻ hơn năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo khác so với điện than nếu tính đủ các mức độ ảnh hưởng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Thậm chí, nếu tính đủ thì còn đắt hơn.

Việt Nam cũng đang có cơ hội thay đổi một cách căn cơ, hiệu quả hơn và sẽ tiết kiệm hàng tỷ USD cho ngân sách, đồng thời người dân có cuộc sống chất lượng hơn, tạo nhiều công ăn việc việc làm trong lĩnh vực này hơn" - ông John Kerry nhấn mạnh.
Đa số các đại biểu tham dự Hội thảo đều có chung nhận định là thị trường năng lượng hiện nay chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và cho rằng đây chính là điểm nghẽn trong phát triển năng lượng Việt Nam.

Đại diện Bộ Công thương cho rằng, để hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất người tiêu dùng, cần có những giải pháp về đa dạng hoá sở hữu và phương thức kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế các - bon thấp.

Các chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm về thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng, cơ chế tài chính, tín dụng quốc tế để hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng năng lượng, tiếp cận một số thành tựu của ngành năng lượng thế giới; nhận diện những thách thức tác động xấu đến ngành năng lượng do biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp cho Việt Nam./.
Xem thêm:

>>>Tòa nhà EVN đạt danh hiệu công trình sử dụng năng lượng xanh năm 2017

>>>Đầu tư FDI vào năng lượng xanh đạt trên 770 triệu USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục