Nâng năng suất lao động cần quan tâm đến mức sống tối thiểu cho người lao động

13:00' - 17/11/2015
BNEWS Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nâng cao năng suất lao động cần quan tâm đúng mức đến mức sống tối thiểu cho người lao động và điều kiện làm việc của người lao động.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN

Đánh giá về năng suất lao động ở Việt Nam và các giải pháp nâng cao năng suất trong thời gian tới là những nội dung đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại nghị trường trong phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 17/11.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã họp chuyên đề về vấn đề này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình về năng suất lao động ở Việt Nam. Và theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á và khu vực. Tuy vậy, năm 2015 so với năm 2014, năng suất lao động của Việt Nam tăng 3,7% - đây là một tín hiệu rất đáng mừng.

Theo Phó Thủ tướng, năng suất lao động của một quốc gia phụ thuộc vào 4 yếu tố. Trước hết là cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động; chất lượng lao động và hiệu quả sử dụng lao động; tiếp đến là áp dụng khoa học công nghệ, máy móc thiết bị phục vụ cho lao động và cuối cùng là trình độ quản lý lao động.

Nhấn mạnh về các giải pháp nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam cần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế để chuyển dịch cơ cấu lao động; đưa những ngành có giá trị gia tăng cao vào sản xuất; đặc biệt là ngành sản xuất công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ cao cấp.

Đối với năng suất lao động trong nông nghiệp ở Việt Nam, hiện nay GDP trong nông nghiệp của Việt Nam chiếm 18% trong cơ cấu kinh tế; nhưng lao động nông nghiệp chiếm trên 46%, chưa kể những người phụ thuộc vào nông nghiệp sống ở nông thôn chiếm khoảng 70%. Cho nên, năng suất lao động nông nghiệp thấp, kéo theo toàn bộ năng suất lao động của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Do đó, cần đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất với thiết bị tiên tiến; đặc biệt, thay đổi công cụ sản xuất, nhất là trong nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, ví dụ như cánh đồng mẫu lớn và đưa cơ giới hóa vào. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề; dạy nghề theo lứa tuổi và dạy nghề ở nông thôn; dạy nghề theo nhu cầu.

"Ở các nước tiên tiến, một người lao động có thể thay đổi nghề 3 - 4 lần. Do đó, đào tạo nghề cần thích hợp phù hợp với nhu cầu và vấn đề đào tạo lại nghề rất quan trọng. Một vấn đề nữa là nâng cao năng suất lao động cần quan tâm đúng mức đến mức sống tối thiểu cho người lao động và điều kiện làm việc của người lao động. Mặc dù, năng suất lao động là thông số quan trọng để quyết định mức lương, nhưng nếu lương không đảm bảo tối thiểu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của năng suất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục