Nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ kéo dài đến khi nào?

11:53' - 31/05/2021
BNEWS Theo dự báo thời tiết từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt nắng nóng này kéo dài từ nay đến ngày 5/6 và cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn, ngày 31/5, khu vực Sơn La, Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C, riêng một số nơi có khả năng trên 40 độ C như: Mường La, Yên Châu (Sơn La); Lạc Sơn (Hòa Bình); Tĩnh Gia (Thanh Hóa); Đông Hà (Quảng Trị); Nam Đông (Thừa Thiên-Huế).

Các nơi khác ở Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C trong khoảng từ 11-18 giờ. Dự báo thời tiết đợt nắng nóng này kéo dài đến ngày 4-5/6. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1. 

Thủ đô Hà Nội, ngày 31/5, có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ C. Chiều tối có lúc có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 40-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C trong khoảng từ 11-18 giờ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh, nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Trung Bộ.

Để chủ động các biện pháp phòng ngừa cháy rừng hiệu quả, các ngành, đơn vị, chủ rừng... cần tập trung xây dựng và thực hiện các phương án, giải pháp phòng, chống cháy rừng phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng trong thời gian tới.

Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết.

Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng, người dân phải bảo hộ chống nóng; uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…

Đồng thời, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, người dân cần thực hiện tốt yêu cầu 5K của Bộ Y tế nhằm phòng, chống dịch hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục