“Tấm vé” đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiện đại

10:50' - 27/04/2025
BNEWS Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng được xem là “tấm vé” thông hành để các sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại trên cả nước.

Vì vậy, để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã ở Nghệ An đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Với mô hình khép kín từ trồng, sơ chế, chế biến nguyên liệu đến thành phẩm, các sản phẩm dược liệu của Công ty CP Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông) được người tiêu dùng đón nhận. Sản phẩm dược liệu của Công ty được định vị là sản phẩm nông nghiệp sạch, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, mỗi sản phẩm đều có mã vạch, dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

 

Đến nay, Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát đã nghiên cứu, sản xuất 15 loại sản phẩm gồm: trà túi lọc cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam; cao cà gai leo, dây thìa canh; trà hòa tan cà gai leo, dây thìa canh…; trong đó, 13 sản phẩm này đều đạt chuẩn 3-5 sao OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm của Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát đã có mặt khắp thị trường cả nước và nhiều siêu thị lớn nhỏ, đồng thời  bán hàng qua nhiều kênh, cả online, off live, các sàn thương mại điện tử.

“May mắn của tôi là được hưởng thụ nhiều dự án của Sở Khoa học và Công nghệ, được Nhà nước hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật từ khâu làm giống, trồng, chế biến đều có chuyên gia hướng dẫn. Huyện Con Cuông cũng hỗ trợ về giao thông, điện sáng thuận lợi cho việc sản xuất và giao thương”, anh Phan Xuân Diện  - Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát chia sẻ.

Để cao giá trị sản phẩm thủy sản Nghệ An, nhất là ở khâu chế biến, Công ty TNHH MTV Hải sản Sơn Huyền, phường Nghi Hải, thành phố Vinh  đã xây dựng và phát triển mô hình sản xuất sản phẩm thủy sản theo chuỗi khép kín từ khai thác - thu mua - bảo quản - chế biến đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công ty đã xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm, đảm bảo chất lượng tốt, đầu tư thiết bị theo công nghệ hiện đại… Riêng khu vực sản xuất được đầu tư, quy hoạch riêng biệt như kho nguyên liệu, kho sơ chế, chế biến và kho thành phẩm.

Nguyên liệu sản xuất của Công ty chủ yếu được lấy từ nguồn có sẵn tại địa phương và một số tỉnh khác trong cả nước; đồng thời, hợp đồng với các chủ phương tiện khai thác thủy sản trên địa bàn và những đơn vị chuyên cung cấp nguyên liệu để thu mua cho đảm bảo chất lượng.

Hiện, các sản phẩm như nem hải sản, chả mực đặc biệt và tôm tẩm bột đạt sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm đảm bảo theo quy định, có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc… tạo được thông tin minh bạch giữa cơ sở sản xuất với người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Huyền  - Công ty TNHH MTV Hải sản Sơn Huyền chia sẻ: Một trong những yếu tố tiên quyết để các sản phẩm đạt sao OCOP là chất lượng và mẫu mã. Khoa học công nghệ thay đổi thường xuyên, vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần phải thường xuyên đổi mới, nâng cấp máy móc trang thiết bị thì mới cạnh tranh được với thị trường. Doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt 3 kho đông và trang bị các loại máy xay/trộn nguyên liệu sản phẩm, máy đóng gói sản phẩm…

Nhờ đó, năng suất sản phẩm chế biến từ hải sản ngày càng tăng, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, Công ty cũng hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm bắt mắt, có tem nhãn mác truy suất nguồn gốc. Kênh thương mại trực tuyến, nền tảng xã hội và hoạt động hội chợ triển lãm được Công ty tận dụng tối đa, nhằm kết nối trực tiếp đến người tiêu dùng nhanh chóng, thuận tiện và phù hợp với xu thế của thời đại công nghệ 4.0.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới là một trong những yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP tại Nghệ An nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều chủ thể, doanh nghiệp, Hợp tác xã đã đầu tư mua sắm, lắp đặt trang thiết bị hiện đại, đảm bảo sản xuất khép kín... góp phần nâng cao về chất lượng, sản lượng cũng như giá trị, như các sản phẩm.

Đồng thời, chú trọng thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bởi vậy, sản phẩm OCOP của Nghệ An ngày càng khẳng định chất lượng, tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường. Đến nay, Nghệ An đã có 712 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên (bao gồm 665 sản phẩm đạt 3 sao, 45 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đạt 5 sao) và có 1 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt sản phẩm OCOP 5 sao.

Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng được xem là “tấm vé” thông hành để các sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Vì vậy, Nghệ An không chỉ chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm mà còn đẩy mạnh việc số hoá trong đóng gói, tiêu thụ và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh được triển khai dán tem điện tử thông minh, giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong việc tra cứu, nhận biết thông tin, chất lượng hàng hóa, nhiều sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Đây được xem là kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả, là nơi giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến thị trường, người dân trong và ngoài tỉnh.

Hiện các sản phẩm OCOP của Nghệ An cũng đã được quảng bá trên sàn thương mại điện tử 37nghean.com với hơn 470 doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia, tổng cộng 7.653 sản phẩm được giới thiệu và thu hút hơn 9,2 triệu lượt truy cập.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho biết, để nâng tầm sản phẩm OCOP, tỉnh Nghệ An tiếp tục tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Qua đó, giúp các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường.

Sở Khoa học và Công nghệ cũng hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch, thực hiện quy định để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng dẫn xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Tỉnh Nghệ An cũng tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối các nhà, hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng; đồng thời, tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tư vấn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục