Nâng tĩnh không hai cây cầu trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 13

11:39' - 05/12/2023
BNEWS Việc nâng tĩnh không hai cây cầu nhằm đáp ứng đồng bộ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh vừa có quyết định phê duyệt dự án nâng tĩnh không (độ cao của công trình so với mặt đất tự nhiên hoặc so với sân bay) cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1 và cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13.

Hai dự án này thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025 với tổng mức đầu tư khoảng 244 tỷ đồng.

Việc nâng tĩnh không hai cây cầu này nhằm đáp ứng đồng bộ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Các dự án này tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, phát triển các cảng thủy nội địa của Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh; giảm tải cho giao thông đường bộ; tăng cường kết nối vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Việc nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1 sẽ giúp đồng bộ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Với cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1, dự án có điểm đầu cách mố cầu hiện hữu phía Quận 12 khoảng 152 m và điểm cuối cách mố cầu hiện hữu phía thành phố Thủ Đức khoảng 128 m. Tổng chiều dài toàn dự án khoảng 760 m. 

Cầu sẽ được kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu với chiều cao khoảng 1,25 m bằng hệ thủy lực đảm bảo đồng bộ và an toàn công trình. Tổng mức đầu tư của dự án là 111 tỷ đồng.

Trong khi đó, cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13 có chiều dài toàn dự án là 770 m, với điểm đầu cách mố cầu hiện hữu phía quận Bình Thạnh khoảng 93 m và điểm cuối cách mố cầu hiện hữu phía thành phố Thủ Đức khoảng 92 m. Nhà thầu sẽ kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu với chiều cao khoảng 1,08 m bằng hệ kích thủy lực. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 133 tỷ đồng.

Hai dự án này được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố, do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư.

Hiện hai khu vực này đã được đầu tư cầu Bình Phước 2 (song song cầu Bình Phước 1) và cầu Bình Triệu 2 (song song cầu Bình Triệu 1). Tuy nhiên, tĩnh không các cầu Bình Phước 1 và Bình Triệu 1 được xây dựng trước đây khá thấp, chưa đáp ứng yêu cầu tĩnh không thông thuyền theo quy hoạch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục