NASA phát hiện thêm hành tinh có khả năng chứa đựng sự sống

14:16' - 15/04/2017
BNEWS Một mặt trăng phủ băng dày quay quanh sao Thổ dường như có các điều kiện cần thiết cho sự sống. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố phát hiện này của tàu vũ trụ không người lái Cassini.
NASA phát hiện thêm hành tinh có khả năng chứa đựng sự sống. Ảnh: Sky News

Theo NASA, trong lần bay xuyên sâu nhất vào hơi băng bốc lên từ bề mặt của mặt trăng Enceladus của sao Thổ vào ngày 28/10/2015, tàu vũ trụ Cassini đã phát hiện có phân tử hy-đrô (hydrogen) trong hơi băng.

Cassini cũng đã lấy được mẫu thành phần của hơi băng trong các lần bay trước đó. Qua máy đo quang phổ, các nhà khoa học đã xác định gần 98% thành phần trong hơi băng này là nước, khoảng 1% là hy-đô, còn lại là hỗn hợp các phân tử khác gồm CO2, methane (metan) và ammoni.

Nhà khoa học Linda Spilker tham gia dự án Cassini của NASA cho biết việc phát hiện hy-đrô trong hơi băng bốc lên từ Enceladus là vô cùng quan trọng bởi hy-đrô có thể là một nguồn năng lượng hóa học đối với bất cứ loại vi khuẩn nào có thể tồn tại trong đại dương của mặt trăng này.

Hơi bốc lên từ mặt trăng Enceladus khiến các nhà khoa học suy luận rằng có thể đã xảy ra phản ứng hóa học thủy nhiệt giữa lõi đá của mặt trăng này và đại dương nằm dưới lớp băng phủ dày trên bề mặt của mặt trăng. Ở Trái Đất, các phản ứng hóa học này cho phép các vi khuẩn sinh sôi trong các khe nứt ở đáy đại đương, nơi ánh sáng Mặt Trời không thể chiếu tới.

Do đó, Mặt trăng Enceladus hoàn toàn có thể nuôi dưỡng sự sống. Hy-đrô trong đại dương dưới bề mặt của mặt trăng này có thể kết hợp với các phân tử CO2 tạo ra sản phẩm phụ là khí methane. Nếu thực sự có vi khuẩn tồn tại ở đại dương của mặt trăng Enceladus, chúng có thể sống bằng khí methane.

Ba điều kiện cần thiết cơ bản cho sự sống là nước ở dạng lỏng, một nguồn năng lượng để chuyển hóa, và các thành phần hóa chất phù hợp chủ yếu là carbon, hydrogen, nitrogen, oxygen, phốt-pho và lưu huỳnh.

Tàu vũ trụ Cassini chưa tìm thấy phốt pho và lưu huỳnh ở đại dương của Enceladus, song các nhà khoa học cho rằng có khả năng các chất này tồn tại do lõi đá của mặt trăng được cho là có cấu tạo hóa chất tương đồng với những thiên thạch chứa 2 nguyên tố trên.

Mặt trăng Enceladus có đường kính 500 km và là một trong những mặt trăng ở gần sao Thổ nhất. Lượng nhiệt cần thiết để giữ đại dương trên mặt trăng này khỏi đóng băng đến từ lực thủy triều của sao Thổ và một mặt trăng lớn hơn tên là Dione.

Cùng ngày, NASA thông báo có thêm dấu vết cột hơi bốc lên từ mặt trăng Europa của sao Mộc, cho thấy hành tinh chứa đựng đại dương này có thể là một nơi lý tưởng khác để tìm kiếm sự sống bên ngoài Trái Đất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục