Nền kinh tế Đức đối mặt các rủi ro đến từ bên ngoài

18:25' - 14/06/2018
BNEWS Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) ngày 13/6 hạ dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Đức.

Nguyên nhân là do nhận thấy nền kinh tế này có xuất phát điểm đầu năm thấp một cách bất ngờ bên cạnh các nguy cơ từ nước ngoài, trong đó có các lo ngại về tân Chính phủ Italy và gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ.

Thép được sản xuất tại nhà máy ở Salzgitter, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

DIW có trụ sở tại Berlin đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự đoán của Đức xuống 1,9% trong năm nay và tăng trưởng năm tới xuống 1,7%. Kinh tế Đức tăng trưởng 0,3% trong quý I/2018.

DIW nhận định: “Bất ổn nổi lên chủ yếu do các quan ngại gia tăng về một số quốc gia châu Âu, nhất là về Italy, và khả năng căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới.”

DIW cho biết triển vọng kinh doanh bất ổn đang khiến các công ty trên thế giới giảm quy mô đầu tư, và điều này kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu của Đức. Người đứng đầu DIW Marcel Fratzcher cho biết tình hình tại Italy đang làm dấy lên quan ngại về khả năng cuộc khủng hoảng nợ Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) quay trở lại.

Malte Rieth, chuyên gia về các thị trường quốc tế tại DIW, chỉ ra rằng: “Các ảnh hưởng của thương mại nước ngoài đã tác động đáng kể đến nền kinh tế Đức hồi đầu năm nay và hiện cũng sẽ tạo ra một rủi ro lớn nếu căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang”.

Bộ Kinh tế Đức trong báo cáo tháng ngày 13/6 xác nhận đà đi lên của nền kinh tế Đức đang mất đi một phần động lực, với triển vọng tăng trưởng bị “phủ bóng” bởi tranh chấp thương mại và rủi ro liên quan đến tân Chính phủ Italy.

Hiện Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone, muốn nhất trí một lộ trình cho các cải cách Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 19/6 tới nhằm trình kế hoạch này lên các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 27-28/6 tới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thiết lập một quỹ hỗ trợ các quốc gia đang đối mặt với khó khăn kinh tế và thu hẹp sự khác biệt giữa các nền kinh tế thành viên.

>>>Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga gây nhiều thiệt hại cho Đức

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục