Nên tẩm bổ tổ yến thế nào để tốt sức khỏe hậu COVID-19?

11:30' - 14/03/2022
BNEWS Để tăng cường sức đề kháng sau mắc COVID-19, nhiều người đã tăng cường những thực phẩm bổ dưỡng và tổ yến là sự lựa chọn của nhiều người sau khi khỏi bệnh.

Tác dụng của tổ yến đối với sức khỏe

Theo các nhà nghiên cứu, tổ yến có nhiều thành phần dinh dưỡng quý hiếm và nhiều khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe, cải thiện làn da khỏe mạnh, đẹp cho phụ nữ và là nguồn bổ sung các chất dinh dưỡng rất tốt cho phụ nữ mang thai.

Trong đó phải kể đến là Acid Sialic trong tổ yến đảo thiên nhiên có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng và ngăn chặn sự lây nhiễm từ các dòng virut cúm. Acid Threonine trong tổ yến rất tốt cho hoạt động gan, tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy cơ thể hấp thụ mạnh các dưỡng chất ngăn ngừa nếp nhăn, chống lão hóa, chống nổi mụn, tàn nhang, vết nám, bảo vệ da. 

Acid Valine trong tổ yến có tác dụng điều hòa protein, hỗ trợ quá trình ăn kiêng và luyện tập thể dục thể thao; các khoáng chất: can-xi, ma-giê, sắt trong tổ yến rất có lợi cho thần kinh, trí nhớ, hệ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch. Acid Glucosamine là một trong những dưỡng chất rất quan trọng giúp các sụn khớp mạnh khỏe, rất tốt cho người già. Acid Tryptophan giúp tăng chất lượng giấc ngủ và điều trị chứng mất ngủ.

Một nghiên cứu của nhóm tác giả Ran Zhao, Geng Li, Xiu-juan Kong, Xiu-yan Huang, Wei Li, Yao-ying Zeng và Xiao-ping Lai đến từ khoa nghiên cứu y dược của các trường đại học lớn ở Trung Quốc đã công bố khả năng kháng và hỗ trợ điều trị ung thư của yến sào đảo thiên nhiên Khánh Hòa. 

Yến sào đảo thiên nhiên có khả năng làm tăng lượng tế bào B-cells, sản sinh ra các kháng thể chống lại các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài, kể cả tế bào ung thư; tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Nên tẩm bổ tổ yến như thế nào để tốt nhất?

Theo quan điểm của Y học cổ truyền, chim yến, tổ yến hay đông trùng hạ thảo đều là những loại thuốc bổ, có tác dụng bồi bổ chính khí, nâng cao thể trạng. Trong giai đoạn mắc COVID-19 hay khi ốm đau, nhân lúc sức khỏe bị suy yếu, tà khí và thời khí sẽ xâm nhập vào trong cơ thể của con người mà gây bệnh.

Theo nghiên cứu khoa học, tổ yến là thực phẩm cao cấp, có chứa 42,8 - 54,9% protein; nhiều glucose; các acid amin khó thay thế như là cystein, phenyllamin, tyrosin...; các vitamin B, C, E, PP; các muối natri, sắt, phosphor và các nguyên tố vi lượng.

Nhiều người coi yến sào như một phương thuốc và lầm tưởng rằng có thể sử dụng để chữa bệnh. Tuy nhiên, yến sào chỉ là một loại thực phẩm chức năng có tác dụng bổ trung ích khí, bổ thận sinh tinh, kiện tỳ dưỡng huyết.

Tuy nhiên trong giai đoạn đầu bệnh COVID chưa nên sử dụng thực phẩm bổ dưỡng (phù chính) này mà nên dành cho giai đoạn hồi phục để nhanh bình phục sức khoẻ. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng.

Chế độ ăn cho người F0 nên là các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đầy đủ đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Không ăn nhiều các thức ăn chiên, xào, rán… Chế độ ăn cân bằng giữa dưỡng chất.

Sau khi khỏi COVID-19, việc ăn tổ yến hay đông trùng hạ thảo sẽ phát huy tác dụng tốt hơn, giúp cơ thể phục hồi nhanh. Theo y học cổ truyền, tổ yến có vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, vị và thận, có tác dụng dưỡng âm nhuận táo, bổ trung ích khí, bổ thận sinh tân, kiện tỳ dưỡng huyết.

Trẻ em 1 đến 3 tuổi chỉ nên dùng 1 - 2 gram tổ yến tinh mỗi lần, một tuần dùng 2 - 3 lần, không nên dùng quá nhiều khiến hệ tiêu hóa của trẻ không tiêu hóa được. Trẻ từ 3 đến 12 tuổi, có thể dùng 3 - 4 gram tổ yến tinh chế mỗi lần, 3 lần một tuần. Người lớn nên ăn hàng ngày với liều 3 - 4 gram yến tinh mỗi ngày nếu có điều kiện bởi tổ yến tốt cho da và sự hồi phục sau COVID-19.

Trường hợp nào không nên dùng yến sào?

Một số trường hợp được khuyến cáo không nên dùng yến sào như:

- Người cao tuổi, sử dụng liên tục tổ yến sẽ có tác động xấu đến hệ thống tiêu hóa.

- Những người cảm mạo, sốt nhức đầu, đau bụng do lạnh hoặc đầy bụng, ho nhiều đàm loãng không nên dùng yến sào.

- Những người có triệu chứng viêm da, viêm phế quản cấp, viêm nhiễm tiết niệu, sốt thực nhiệt không nên dùng yến sào.

- Những người gầy yếu, cơ thể xanh xao, tỳ vị hoạt động yếu, không hấp thu được thực phẩm, dưỡng chất cũng không nên dùng yến sào.

- Người dương hư, đại tiện lỏng, nước tiểu trong cũng không nên dùng tổ yến sào.

- Trẻ em dưới 7 tháng tuổi hoặc đang bị sốt cũng không nên sử dụng yến sào.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục