Nền tảng mới cho ngành nông nghiệp năm 2023

11:18' - 25/01/2023
BNEWS Các chuyên gia ngành nông nghiệp dự báo, sang năm 2023 dù còn khó khăn song ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều thay đổi về phương thức sản xuất, thương mại để có thể phát triển.

 

*Không gian mới

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, đây là lần đầu tiên xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 50 tỷ USD, có thêm nhiều ngành hàng bước vào nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD, đó là cá ngừ, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phân bón các loại. Những mặt hàng này góp phần nâng số ngành hàng tỷ USD lên 11 ngành hàng.

 

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, trong năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện 4 quy hoạch ngành quốc gia, gồm: Quy hoạch lâm nghiệp; Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi.

Không những vậy, ngành nông nghiệp cũng tạo không gian phát triển mới, trước tiên chính là ngành thủy sản. Để có thể tạo nền tảng mới cho toàn ngành thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề án này đã đưa ra quan điểm đầu tư phát triển nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành thủy sản, lấy doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt để đầu tư phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp ở vùng biển xa; kết hợp với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững mạnh, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của tổ quốc.

Nhờ vào sự chuyển dịch không gian mới, ngành thủy sản đã có những bước đột phá trong khoảng thời gian 3 năm gần đây. Việc tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác, ngành thủy sản đã làm chủ được nhiều công nghệ nuôi trồng như nuôi trồng rong biển, tăng sản lượng loài cá giá trị cao như cá bớp, cá mú, cua biển, hàu …

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nâng cao chiến lược kiến tạo nền kinh tế nông nghiệp phù hợp với xu thế phát triển, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

*Tận dụng chuyển đổi số

Cùng với sự thay đổi trong phương thức và không gian sản xuất, phát triển nông nghiệp trong năm 2023 sẽ phải có nhiều sự đổi mới khác. Ngay từ trong tư duy sản xuất, bắt buộc người sản xuất phải có sự dịch chuyển từ nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết, phát triển rộng lớn.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, nông dân Việt Nam có thể sánh ngang với nông dân của các quốc gia phát triển với điều kiện, chính nông dân Việt Nam phải bước qua được thửa ruộng, bờ ao, từ bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tiêu thụ nhỏ lẻ, manh mún để đi đến liên kết với nhau, liên kết với nhiều đơn vị liên quan trong toàn ngành.

Đồng thời, nông dân Việt Nam cũng cần thay đổi thói quen về tư duy sản xuất. Hiện nay, với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, học tập kinh nghiệm và quản lý sản xuất không đơn thuần là trường lớp, sách vở, mà còn qua các không gian mạng, thiết bị kỹ thuật mới tạo ra một phương thức sản xuất hiện đại, phù hợp với sự xoay chuyển của cục diện kinh tế toàn cầu.

Ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) chia sẻ, nông dân ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất sẽ tạo nên bước đột phá lớn trong nông nghiệp Việt Nam. Khi áp dụng chuyển đổi số thì chính mỗi nông dân trở thành một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.

Như vậy, toàn bộ người sản xuất Việt Nam có thể được kết nối với nhau trực tiếp hoặc gián tiếp khi áp dụng khoa học, kỹ thuật vào quản lý sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản, cho đến bán hàng ra thị trường. Với sự kết nối này, hệ thống người sản xuất nông nghiệp Việt Nam có thể nằm vững thông tin sản xuất đến thị trường, từ đó có thể đồng lòng thúc đẩy hay bình ổn sản lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, tránh sự nhiễu loạn của thị trường trong thời điểm khó khăn được dự báo trước trong năm 2023.

Điểm mấu chốt của chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là làm sao có nền tảng số và mỗi người nông dân đều có địa chỉ ở đó. Từ đó, người nông dân tự kết nối, tự giới thiệu. Chuyển đổi số trong nông nghiệp bắt đầu gắn kết từng mảnh vườn, từng thửa ruộng, từng vùng nguyên liệu lại và phải minh bạch hóa dữ liệu. Khi nào minh bạch hóa dữ liệu người sản xuất mới nắm rõ thông tin về cung, cầu của thị trường, hoạch định kế hoạch sản xuất riêng trên cục diện nhu cầu tổng thể cho phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục