Chuyển đổi số - cơ hội tạo đột phá cho ngành dầu khí

09:00' - 24/01/2023
BNEWS Dù chuyển đổi số luôn đi kèm với thách thức nhưng đây sẽ là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra sự phát triển đột phá trong ngành dầu khí.

Việc ứng dụng chuyển đổi số, đặc biệt là khai thác hiệu quả dữ liệu, ứng dụng học máy và trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) thay đổi phương pháp nghiên cứu, tiết kiệm thời gian, chi phí để tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ mới có tính ứng dụng cao, phục vụ cho chiến lược phát triển của ngành dầu khí Việt Nam trong khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

Mặc dù chuyển đổi số luôn đi kèm với thách thức nhưng đây sẽ là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra sự phát triển đột phá trong ngành dầu khí.

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Dữ liệu của VPI xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp nguồn nhân lực, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Xin ông cho biết VPI đang triển khai tích hợp công nghệ số, tối ưu hóa sử dụng dữ liệu vào quá trình hoạt động kinh doanh như thế nào?

Giám đốc Lê Ngọc Anh: Công cuộc chuyển đổi nào cũng đòi hỏi phải tư duy lại và tổ chức lại, nhưng với chuyển đổi số thì quy mô và tác động sẽ lớn hơn nhiều. Nếu trước đây, động lực cho phát triển là đất đai, nhà xưởng và máy móc và gần đây hơn là tri thức, thì giờ đây động lực, lợi thế cạnh tranh lớn nhất chính là dữ liệu và khả năng phân tích dữ liệu, dựa trên sự phát triển vượt bậc của các công nghệ số trong tính toán, truyền tải, và thiết bị thông minh.

Là đơn vị nghiên cứu khoa học, VPI nhận thấy sự thay đổi lớn mà chuyển đổi số đang mang lại. Tri thức dễ dàng chia sẻ và tiếp cận hơn, dữ liệu được tạo ra và tổng hợp nhiều hơn, yêu cầu về nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng trong ngành Dầu khí cũng thay đổi nhiều cùng với xu thế chuyển dịch năng lượng.

 

Vì vậy, để mang lại giá trị, tạo ra sản phẩm dịch vụ khoa học chất lượng cao, và mang lại tác động cho ngành dầu khí Việt Nam, VPI xác định việc nắm bắt và ứng dụng chuyển đổi số là bắt buộc để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo đó, VPI nghiên cứu nắm bắt các xu thế công nghệ, giải pháp số mới nhất được triển khai tại các doanh nghiệp dầu khí quốc tế và tại Việt Nam, trong toàn bộ chuỗi giá trị từ khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí), tới lĩnh vực trung và hạ nguồn (chế biến dầu khí), phân phối và thương mại hóa các sản phẩm.

Mặt khác, VPI cũng xác định lại các nhu cầu và giá trị mang lại cho khách hàng trong bối cảnh mới của công nghệ và ngành dầu khí, năng lượng; đồng thời tổ chức lại công việc, hướng tới khai thác hiệu quả hơn dữ liệu và tri thức ngành Dầu khí Việt Nam trong hơn 60 năm qua, ứng dụng các công cụ mới nhất trong học máy và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ và mang lại những góc nhìn mới trong nghiên cứu, ứng dụng.

Phóng viên: Đâu là thuận lợi và khó khăn của VPI trong triển khai chuyển đổi số, thưa ông?

Giám đốc Lê Ngọc Anh: Ba yếu tố thường được nhắc tới trong chuyển đổi số là con người, công nghệ và quy trình, thì VPI có những lợi thế nhất định. Trải qua 45 năm phát triển, đội ngũ nhân lực của VPI đều có trình độ khoa học bài bản và kỹ năng nghiên cứu tốt, lại được tiếp cận, nghiên cứu và sử dụng các máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến từ rất sớm nên công nghệ và dữ liệu không phải yếu tố “làm khó” với cán bộ nghiên cứu của VPI.

Tuy nhiên, chuyển đổi số hay cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư này có tác động trên quy mô và tốc độ rất lớn, mang tính “sống còn” với nhiều lĩnh vực, và đặt ra nhiều thách thức không nhỏ trong quá trình triển khai. Vì vậy, với kiến thức, trình độ chuyên môn cao, nhưng có thể chưa có được sự linh hoạt trong cách tiếp cận mới.

Ví dụ, có thể tìm ra dầu hay khí trong lòng đất bằng các phương pháp khoa học trước đây, nhưng khi có công cụ mới giúp phân tích dữ liệu trong lòng đất ở một góc nhìn khác, nhanh hơn, hiệu quả hơn thì các nhà khoa học sẽ đón nhận và sử dụng ra sao? Thay đổi những gì hay thậm chí thay thế những ai trong cách làm cũ? Mang lại kết quả đáng tin cậy ra sao cho các khách hàng?

Tương tự như vậy, quy trình, cách làm mới cũng có thể là thách thức mới. Nếu trước đây phương pháp truyền thống và phần mềm chuyên ngành là lợi thế độc quyền, thì giờ đây việc sử dụng học máy và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra lợi thế dữ liệu minh bạch, kiểm chứng được, chia sẻ dễ dàng. Đây là thách thức chung đối với nhiều doanh nghiệp khi triển khai chuyển đổi số.

Tuy nhiên, so với các lợi ích to lớn mang lại thì chuyển đổi số là quá trình không thể trì hoãn, mà ngược lại nên là cơ hội để đầu tư vào con người, công nghệ, quy trình để tạo ra sự phát triển đột phá.

Phóng viên: Xin ông cho biết hiệu quả bước đầu mang lại khi VPI tập trung thực hiện chuyển đổi số?

Giám đốc Lê Ngọc Anh: Hiệu quả chuyển đổi số mang lại trong ngắn hạn ở quy mô ban đầu là rất rõ rệt. Các cán bộ nghiên cứu thấy được kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình ở một góc nhìn mới: Cụ thể, thuyết phục hơn với nhiều dữ liệu và phân tích, sản phẩm tương tác trực quan với người dùng trên các thiết bị số thay vì chỉ là các báo cáo hay bài trình bày truyền thống.

Với việc ứng dụng học máy và trí tuệ nhân tạo, VPI đã xây dựng hệ sinh thái Oilgas AI, mô hình dự báo giá dầu thô và sản phẩm xăng dầu, mô hình học máy và trí tuệ nhân tạo để dự báo đá móng nứt nẻ, VPI-Mlogs…  giúp tiết kiệm thời gian thực hiện, chi phí đầu tư, hỗ trợ tốt cho các công cụ, phương pháp truyền thống trong bài toán lớn nhất là tìm ra dầu khí và khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước.

Trong dài hạn, chuyển đổi số sẽ giúp VPI thu thập, tổng hợp, chuẩn hóa dữ liệu của toàn ngành dầu khí Việt Nam trong tất cả các khâu từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến các hoạt động chế biến, phân phối và thương mại hóa các sản phẩm năng lượng khác nhau. Khi đó, việc đầu tư cho chuyển đổi số sẽ không nhỏ về con người và tài chính, nhưng kết quả mang lại sẽ là tài sản lớn nhất cho tương lai: Đó là dữ liệu.

Cụ thể, việc khai thác và phân tích hiệu quả dữ liệu này sẽ tạo ra các sản phẩm nghiên cứu khoa học hoàn toàn mới, với các phương thức sử dụng, cộng tác hoàn toàn mới, với mục tiêu lớn nhất là giúp cho các công ty, đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đối tác có thể tìm kiếm, khai thác hiệu quả và có trách nhiệm nhất đối với nguồn tài nguyên của đất nước.

Phóng viên: Xin ông cho biết kế hoạch triển khai lộ trình chuyển đổi số cụ thể của VPI trong năm 2023?

Giám đốc Lê Ngọc Anh: Năm 2023, VPI sẽ tập trung thực hiện Chiến lược dữ liệu và phân tích dữ liệu, cũng như phối hợp triển khai lộ trình chuyển đổi số nói chung của PVN. Mục tiêu cụ thể là xây dựng nền tảng, công cụ, quy trình giúp VPI đều có thể tổ chức dữ liệu theo lĩnh vực một cách khoa học, minh bạch, chia sẻ được, tiến tới trở thành các sản phẩm dữ liệu - với người dùng đa dạng trong và ngoài VPI, với giá trị và khả năng tiện dụng như bất kỳ sản phẩm khoa học khác.

Bên cạnh đó, VPI sẽ đào tạo kiến thức, phổ biến kỹ năng sử dụng một số công cụ học máy và trí tuệ nhân tạo được xây dựng riêng cho các lĩnh vực chuyên ngành Dầu khí, giúp cho cán bộ, người lao động VPI có thể sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu mới, hỗ trợ và tạo đột phá trong công việc.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục