Nét độc đáo trong ngày Tết của Người Mường ở bản Chuôi

15:32' - 29/01/2022
BNEWS Những ngày giáp Tết này, người Mường ở bản Chuôi, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ lại náo nức chuẩn bị “bui ngay sết”, có nghĩa là vui ngày Tết.
Khi hoa đào điểm tô sắc hồng, hoa mơ phủ trắng tinh khôi lên nền xanh cây lá là dấu hiệu của mùa Xuân mới đang về. Thời điểm này, mùa màng đã thu hoạch xong, đất được nghỉ ngơi chờ mùa gieo hạt mới, người Mường náo nức chuẩn bị  “bui ngay sết”, có nghĩa là vui ngày Tết.

Quần tụ ở thung lũng dưới chân núi Chuôi (bản Chuôi, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), nơi tập trung sinh sống của 135 hộ người Mường. Những ngày giáp Tết, nhà nào cũng rộn rã tiếng nói cười. Ngày 27 tháng Chạp, người dân nghỉ việc đồng áng để ở nhà lo mua sắm, chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

 
Nghệ nhân Đinh Văn Thành – người đã bỏ công sức và thời gian dài bảo tồn, phục dựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Mường Phú Thọ cho biết: Theo quan niệm truyền thống của người Mường, Tết không bắt đầu vào ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Công, ông Táo như người Việt. Ngày xuân của người Mường thực sự bắt đầu từ ngày 24  (ngày đóng cửa rừng) hoặc ngày 27 tháng Chạp (ngày sửa sang mồ mả, mời tổ tiên về ăn Tết và trồng cây nêu). Ngày này, khắp các bản làng của người Mường ở huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy rộn ràng âm thanh của Tết.

Người Mường rất coi trọng không gian thờ cúng tổ tiên, vì vậy bàn thờ thường được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà và là nơi linh thiêng, trang trọng nhất. Nơi đây cũng được người Mường tổ chức các nghi lễ và đón khách quý. Ngày Tết, bàn thờ tổ tiên thường do người đàn ông trong gia đình tự tay trang hoàng. Sớm ngày 27 tháng Chạp, ông Đinh Văn Khánh, tộc trưởng dòng họ Đinh Văn vùng Tam Cửu (ba xã: Đông Cửu, Khả Cử, Thượng Cửu), cẩn thận sắp xếp từng thứ trên bàn thờ đúng vị trí và lau dọn sạch sẽ. Hoàn tất công đoạn này, ông Đinh Văn Khánh ra quả đồi sau nhà chặt một đoạn cây trẩu cùng vài ống nứa về làm vàng bạc thờ cúng tổ tiên, kết vòng tròn hoa leo trang trí cây nêu và đan một cái phên bé xíu bằng cái đĩa cắm lên các cửa vào nhà. Ý nghĩa là các ma tà không có lời mời không được đến. Lúc này, hai người con trai của ông cũng từ rừng trở về, mang theo một cây bương thẳng, cao gần chục mét, ngọn còn nguyên vẹn lá và được tỉa thành hình cái lộng, gốc còn nguyên bầu đất, chỉ thân cây là được tỉa sạch các cành.

Ngước nhìn cây nêu thẳng tắp, vươn cao trong nắng, được trồng giữa sân trước của ngôi nhà sàn, ông Đinh Văn Khánh chia sẻ: Cây nêu thường được làm bằng cây tre, hoặc cây có họ hàng với loài tre, phải có thân thật thẳng, các lóng thật dài, tán ngọn tròn, bầu đất lúc đào lên phải còn nguyên vẹn thì khi trồng mới được tươi lâu. Đây là một biểu tượng, tín hiệu văn hóa. Tục lệ này có từ ngàn xưa, thuở hồng hoang mệ vua Hoàng Bà đi đánh quỷ, lũ quỷ thua to bỏ chạy. Theo chỉ dạy của mệ vua, các nhà đều cắm một cây nêu để báo tin thắng trận và nhận đất đai cho dân Mường. Sau này nó có ý nghĩa là sự bố cáo với đất, trời về sự tồn tại của gia đình mình và cũng là trấn tà không cho lũ quỷ thâm nhập vào nhà. Tục lệ này được duy trì đến ngày nay và cây nêu được cắm mỗi khi Tết đến, xuân về với ý nghĩa như trên.

Cây nêu được dựng lên, những người con dâu, con gái, con rể và các cháu của ông Đinh Văn Khánh cũng đã về đông đủ. Mỗi người một việc, ai cũng hào hứng chuẩn bị làm cơm cúng tổ tiên và lau dọn nhà cửa. Riêng việc lau rửa bộ chiêng và nấu nướng thì do những người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm. Vợ ông Đinh Văn Khánh cho biết, hôm nay bà cùng các con gái, con dâu tập trung làm các món ăn để cúng tổ tiên. Đây là dịp để bà dạy con cái hiểu về nề nếp nhà và phong tục cổ truyền của dân tộc như: lấy lá rửa sạch để gói bánh, sắp xếp nhà cửa sạch sẽ…

Ngày 27 tháng Chạp ở vùng Mường còn gọi là ngày tha lả - rửa lá: Các chị em phụ nữa mang toàn bộ bát đũa, xoong, nồi, lá dong... ra sông, suối rửa sạch sẽ. Các nông cụ như cày, bừa, cuốc, xẻng cũng được rửa sạch sẽ để cùng đón Tết... Đây là hình thức tẩy trần, sạch sẽ để đồ vật và con người cùng đón năm mới và gặp nhiều may mắn, an lành.

Ngày 28 tháng Chạp, nhiều nhà bắt đầu gói bánh chưng và bánh uôi. Ngày 29 tháng Chạp theo lịch Mường, tức ngày 30 Tết theo âm lịch, người Mường gọi ngày này là ngày chín lụn có bữa cơm chín lụn - tương đương như người Kinh gọi là bữa cơm tất niên, ăn vào buổi tối, là bữa cơm đoàn tụ gia đình trong năm. Đây là bữa cơm quan trọng và thiêng liêng giã từ năm cũ chuẩn bị đón chào năm mới. Bao nhiêu thức ăn ngon vật lạ được chuẩn bị suốt một năm đều được chế biến cho bữa cơm này. Ngày chín lụn cũng là ngày các thầy mo mang túi khót của mình ra, lấy rượu ngon rửa sạch sẽ. Đây cũng là ngày họ truyền dạy các lời khấn quan trọng, các bí quyết hành nghề cho con cháu và học trò.

Đêm giao thừa, khi gà gáy canh một, họ nhà Lang cúng trước. Khi nhà Lang đánh chiêng báo hiệu năm mới đã tới, các tộc họ trong Mường đồng loạt làm lễ cúng giao thừa và đánh chiêng đưa cái rủi đi, đón cái may mắn về.

Ngày nay, đa số các gia đình ở Mường Chuôi nói riêng, người Mường vùng cao các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy nói chung vẫn tổ chức Tết Nguyên đán và các bữa Tết bài bản như trên. Nhiều nơi đã khôi phục phong tục đi chúc Tết theo đoàn sắc bùa. Vào ngày mồng 1 Tết Mường (tức mồng 2 theo âm lịch), các phường bùa bắt đầu đi đến các gia đình để chúc Tết - một cách chúc rất độc đáo và riêng có ở người Mường.

Phường bùa thực chất là đội hình diễn tấu chiêng có từ 6 - 12 người, trong đó có một người đứng đầu gọi là ông trùm. Đoàn đi đến đâu tấu chiêng sắc bùa đến đó. Khi vào đến sân nhà ai, ông trùm phường cất bài hát chúc Tết gia đình, đó là bài phát rác, tức là mở nước, chúc cho gia đình chủ nhà mạnh khỏe, sang mùa năm mới làm ăn phát đạt, mát lành như nước, trồng lúa gặp đủ nước, chăn nuôi gia súc phát triển, làm ăn giàu có. Sau đó, gia chủ xuống sân mời phường bùa lên nhà uống chén rượu xuân. Tục lệ này còn có ý nghĩa mở nước đầu năm mới cho cư dân nông nghiệp vào làm vụ chiêm, tiếng chiêng tấu bài sắc bùa có nhiều ý nghĩa song và điểm nhấn là tượng trưng cho tiếng sấm gọi mưa xuống.

Ngày mồng 7 tháng Giêng tức là ngày khai hạ, mở cửa rừng, cũng là ngày cuối cùng của Tết. Các gia đình tổ chức Tết lại, tức là làm lại Tết, cũng sắp các mâm cơm cúng mời tổ tiên và thành hoàng, thổ công vua bếp ăn Tết ngày cuối của Tết. Sau ngày này, việc ăn Tết đã hết và mọi người bắt đầu ra đồng cày, cấy vụ lúa đầu trong năm.

Tết năm mới của người Mường là phong tục đẹp chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, hiện vẫn được người Mường lưu giữ và truyền lại cho mai sau. Sắc đào đỏ thắm đã chúm chím nở trên khắp núi rừng. Người Mường ở thung lũng Chuôi đang đón một năm mới với ước vọng được mùa, sung túc cho cả năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục