New York với dự định tạo nên ‘phòng thí nghiệm sống’ cho các nghiên cứu khí hậu

15:56' - 30/06/2021
BNEWS Thị trưởng New York đang tìm kiếm ứng viên tham gia thử nghiệm các giải pháp khí hậu đô thị trên Đảo Thống đốc – một hòn đảo hoang sơ thuộc địa phận thành phố.

Tháng Chín vừa qua, thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã tuyên bố rằng Đảo Thống đốc sẽ trở thành một trung tâm dành riêng cho việc nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu – phục vụ cho New York và cả các thành phố trên toàn thế giới.

Tính đến thời điểm hiện nay, để đạt được mục tiêu trên, ông de Blasio và Quỹ uỷ thác Đảo Thống đốc đã phát động cuộc tìm kiếm toàn cầu cho một tổ chức nghiên cứu hoặc học thuật để thành lập Trung tâm Giải pháp Khí hậu trên hòn đảo nằm ngay phía Nam Lower Manhattan.

Mục đích chính của việc này là biến Đảo Thống đốc rộng 172 mẫu Anh thành một “phòng thí nghiệm sống” cho các nghiên cứu khí hậu, tập trung phát triển hệ thống luật môi trường và khả năng phục hồi cộng đồng. 

Cuộc tìm kiếm này được phát động cùng với khoản đầu tư 150 triệu USD vào cơ sở hạ tầng về giao thông, tiện ích và xây dựng trên hòn đảo.

Hòn đảo trước đây được sử dụng làm căn cứ quân sự đã được đầu tư 400 triệu USD trong thập kỷ qua, trở thành một khu đô thị cho người dân New York sinh sống, với một công viên rộng lớn và những sự nâng cấp đáng kể trong hệ thống điện nước.

Khoản đầu tư mới này cũng sẽ hỗ trợ dự án tái phát triển trên hòn đảo, ước tính sẽ tạo ra khoảng 7.000 việc làm tại đây.

Trung tâm giải pháp mới này được kỳ vọng sẽ mở rộng nghiên cứu về biến đổi khí hậu, kết hợp hiệu quả của các chính sách và sự ủng hộ chuyên môn, để thí điểm các giải pháp có tác động trực tiếp tới cộng đồng thành phố New York.

Đặc biệt, các khu dân cư thu nhập thấp sẽ nhận nhiều tác động hơn, bởi họ thường chịu ảnh hưởng nặng nề của các sự kiện thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt và hiệu ứng nhiệt đô thị. 

Vì vậy, việc tìm ra các mô hình mới để chuẩn bị và phục hồi sau thảm hoạ là điều vô cùng cần thiết.

Là một phần trong chiến lược lâu dài của thành phố, Đảo Thống đốc, nơi mỗi năm thu hút khoảng 1 triệu khách du lịch, sẽ giúp cư dân nơi đây đóng góp tiếng nói của mình vào vấn đề - thúc đẩy “yếu tố con người” trong các nghiên cứu khí hậu, theo Michael Oppenheimer, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách về Năng lượng và Môi Trường tại Đại học Princeton.

Trái ngược với các nghiên cứu lý thuyết, “bạn thực sự có thể ngồi trong một khu đô thị, theo dõi các hành động của con người trong một thế giới đang liên tục thay đổi, và còn có khả năng tham gia phát triển giải pháp cho các vấn đề này,” ông Oppenheimer, người cố vấn ban đầu của dự án, cho biết.

Những giải pháp trên có thể được áp dụng cho các thành phố trên toàn thế giới, thể theo đề xuất của từng thành phố. 

Thành phố New York đã yêu cầu các ứng viên đưa ra (trước tháng Chín) cách họ sẽ thiết kế các chương trình khác nhau để mở rộng và thúc đẩy các công việc “xanh”, và họ sẽ làm thế nào để thu hút công chúng tham gia vào cuộc nghiên cứu này.

Clare Newman, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Quỹ Uỷ thác Đảo Thống đốc cho biết, họ yêu cầu những ứng viên tập trung vào các vấn đề bao gồm: thích nghi trong các môi trường đô thị đông dân, chính sách về khí hậu, giáo dục và sức khoẻ cộng đồng.

Cô Newman chia sẻ, việc thích nghi với khí hậu là vô cùng quan trọng, nhưng lại đang thiếu hụt cả về nghiên cứu và đầu tư. “Ngay cả khi lượng khí thải carbon giảm xuống 0 vào ngày mai, các cộng đồng luôn phải sẵn sàng chiến đấu với tác động của biến đổi khí hậu,” cô nói thêm. 

Thông báo này được đưa ra gần hai thập kỷ sau khi chính phủ liên bang trao quyền kiểm soát Đảo Thống đốc – nơi đã trở thành một thị trấn ma sau khi Tuần duyên Hoa Kỳ (Coast Guard) rời đi vào năm 1996 – cho bang New York vào năm 2003. Khi thành phố tiếp quản vào năm 2010, mọi người hy vọng Đảo Thống đốc sẽ được xây dựng lại thành một không gian cộng đồng.

Việc khánh thành một công viên rộng 40 mẫu Anh vào năm 2016 đã biến hòn đảo này trở thành một ốc đảo đô thị cho người dân New York, cùng với các chương trình văn hoá và nghệ thuật được tổ chức bởi các tổ chức phi lợi nhuận và trường học địa phương.

Thêm vào đó, kế hoạch tổng thể được đưa ra vào năm 2010 cũng chỉ định hai địa điểm ven sông ở hai phía công viên cho những phát triển mang lại lợi nhuận trong tương lai.

Các chính trị gia và nhà đầu tư cũng đề xuất xây dựng một công viên nước, sòng bạc và thậm chí một nhà tù, dù chưa công trình nào được đưa vào thực hiện. 

Vào tháng Năm vừa qua, hội đồng thành phố đã bỏ phiếu để tái định cư khu vực phía Nam của hòn đảo, cho phép phát triển trường đại học, văn phòng, khách sạn và các cửa hàng bán lẻ trong không gian rộng gần 34 mẫu Anh.  

Quyết định này đã gây ra một vài mối lo từ cư dân thành phố, rằng các toà nhà mới sẽ gây trở ngại cho việc tiếp cận hòn đảo. Dù vậy, đề xuất cuối cùng được thông qua sẽ bảo tồn 46 mẫu Anh các không gian công cộng, theo chính sách hạn chế hành động của liên bang. 

Dự án nghiên cứu khí hậu mới được kỳ vọng không chỉ sẽ mang lại nhiều người hơn nữa tới với hòn đảo, mà còn đóng vai trò “một điểm triển lãm cộng đồng,” cô Newman cho biết. “Đây có thể là nơi bạn giới thiệu với mọi người về những giải pháp của tương lai.”

Theo Vicki Been, Phó thị trưởng về Nhà ở và Phát triển kinh tế thành phố cho biết, các mô hình truyền thống thường không giải quyết được vấn đề tại các thành phố như New York.

“Một trong những bài học từ cơn bão Sandy là có quá nhiều phản hồi từ phía chính phủ liên bang, và cách mà tiền được sử dụng để hỗ trợ các khu dân cư thường dựa trên mô hình không dành cho các môi trường đô thị dày đặc,” cô chia sẻ, “sự khác biệt về loại hình nhà ở cũng chưa được quan tâm, khi mà hầu hết người dân sống tại New York đều đang thuê nhà chứ không hề sở hữu chúng.”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục