Nga cân nhắc chấm dứt chương trình hỗ trợ ngành chế tạo ô tô

10:53' - 15/10/2016
BNEWS Bộ Phát triển Kinh tế Nga đang cân nhắc chấm dứt chương trình hỗ trợ ngành sản xuất ô tô với lý do chương trình đã không giúp thúc đẩy các tập đoàn giảm chi phí và tăng chất lượng ô tô.
Nga cân nhắc chấm dứt chương trình hỗ trợ ngành chế tạo ô tô. Ảnh minh họa: TASS
Chương trình quốc gia hỗ trợ ngành sản xuất ô tô của Nga hiện nay đang “đốt” tiền ngân sách, đồng thời cản trở ngành này “thích ứng với điều kiện mới”. Bộ Phát triển Kinh tế Nga đang cân nhắc chấm dứt chương trình này, vì cho rằng chương trình đã không kích thích được các tập đoàn giảm chi phí và tăng chất lượng ô tô. 
Chương trình nói trên được triển khai từ cuộc khủng hoảng 2008-2009, giúp các doanh nghiệp Nga không phải thu hẹp công suất. Song cho đến nay, với 40% công suất toàn ngành không được sử dụng và tổng lỗ 102,3 tỷ ruble (rúp; 1 USD = 63,2 ruble) năm 2015, ngành công nghiệp này vẫn không có dấu hiệu cải cách. 
Theo Thứ trưởng Kinh tế Evgheny Elin, hỗ trợ tài chính đã giúp ngành ô tô tồn tại trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, song không tháo gỡ được nguyên nhân gây “bệnh”: đó là những mất cân bằng giữa sản xuất và nhu cầu. Những doanh nghiệp không còn đủ sức sống vẫn không được “chết”, và làn sóng khủng hoảng tiếp sau đó đã khiến ngành ô tô lao dốc, trong khi các công cụ hỗ trợ cũ đã không còn hiệu quả. Bộ Kinh tế Nga đề xuất chính phủ chấm dứt chương trình trên, chỉ dành hỗ trợ cho những doanh nghiệp đảm bảo được tỷ lệ nội địa hóa cao. 
Theo tính toán của Bộ Kinh tế, đến năm 2020, doanh số bán xe tại thị trường Nga không vượt quá hai triệu xe/năm, tiềm năng xuất khẩu được đánh giá khoảng 200.000-300.000 xe mỗi năm. Chương trình hỗ trợ quốc gia dự tính sẽ chi khoảng 270 tỷ ruble trong ba năm 2017-2019. Bộ Kinh tế đã đề nghị phân chia số tiền hỗ trợ tùy theo lượng xe lắp ráp, cũng như tỷ lệ xuất khẩu trong doanh số. Dự tính, 13 tỷ ruble sẽ được chi cho hỗ trợ xuất khẩu trong năm 2017. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục