Ngành sản xuất Trung Quốc tìm cách vượt những "cơn gió ngược"

15:07' - 11/03/2024
BNEWS Giới quan sát cho hay, ngành sản xuất của Trung Quốc đang phải đương đầu với những “cơn gió ngược” giữa bối cảnh xuất hiện một loạt thách thức do địa chính trị và cạnh tranh toàn cầu đặt ra.

Trong năm qua, tác động của địa chính trị đến chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng trở nên rõ ràng. Việc các nước phát triển chuyển hoạt động sản xuất về gần nội địa, cùng sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở các quốc gia và khu vực khác như Mexico và Đông Nam Á đã làm “nóng” cuộc đua thu hút các dây chuyền sản xuất.

 
Theo giới quan sát, không thể phủ nhận việc sản xuất một số mặt hàng thâm dụng lao động đã chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác. Tuy nhiên, do Trung Quốc đã hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhiều công ty đã rời khỏi Trung Quốc cuối cùng sẽ quay trở lại hoặc vẫn phải nhập khẩu một lượng đáng kể sản phẩm trung gian từ Trung Quốc.

Lấy ngành dệt may của nước này làm ví dụ. Mặc dù một số doanh nghiệp chế biến đã rời đi nhưng giá trị gia tăng chung của ngành vẫn ngày càng tăng. Vào năm 2023, năng suất ngành sợi của Trung Quốc chiếm hơn 1/3 tổng năng lực sản xuất của thế giới, với lượng xuất khẩu tăng 14,4% so với năm 2022.

Hay như nhà máy Thượng Hải của nhà sản xuất xe điện Tesla đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa linh kiện trên 95%. Ông Song Gang, Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất của Tesla Inc, đã ca ngợi điều này là trường hợp “đôi bên cùng có lợi” cho cả Tesla và các nhà cung cấp Trung Quốc.

Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc năm nay cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách cam kết duy trì lợi thế cạnh tranh của hệ thống chuỗi công nghiệp nội địa, tiến tới phát triển từ trung cấp đến cao cấp. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa hệ thống công nghiệp và phát triển lực lượng sản xuất mới chất lượng cao.

Báo cáo báo hiệu sẽ đưa ra một loạt biện pháp, bao gồm “lập kế hoạch nghiên cứu cơ bản một cách có hệ thống” và “hỗ trợ các doanh nghiệp có thế mạnh đặc biệt trong việc triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn”. Mục tiêu là tăng cường khả năng tự chủ và sức mạnh về khoa học và công nghệ của Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao của Trung Quốc cho biết, các nỗ lực sẽ được đẩy nhanh nhằm cung cấp các công nghệ tiên tiến và được sử dụng phổ biến, nhằm nuôi dưỡng các doanh nghiệp hàng đầu và nâng cao hệ sinh thái công nghiệp tại nước này. Đối với các ngành công nghiệp trong tương lai, trọng tâm sẽ là đặt nền móng cho các lĩnh vực chính như trí tuệ nhân tạo (AI) cho mục đích sử dụng chung, robot hình người và giao diện não-máy tính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục