Nga: Nông nghiệp hồi sinh sau lệnh cấm vận thực phẩm phương Tây

10:21' - 08/08/2017
BNEWS Ba năm đã trôi qua kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cấm vận thực phẩm phương Tây, song nỗi lo khan hiếm thực phẩm, đẩy giá cả tăng vọt đã không xảy ra.
Nga: Nông nghiệp hồi sinh sau lệnh cấm vận thực phẩm phương Tây. Ảnh minh họa: Reuters

Các nhà sản xuất thực phẩm trong nước đã nhanh chóng trám vào khoảng trống hàng nhập khẩu khi trên các kệ hàng trong cửa hàng, siêu thị tràn ngập các sản phẩm "Made in Russia".

Ngày 6/8/2014, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm vận lương thực phương Tây để trã đũa các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Australia và Na Uy áp đặt chống Moskva do liên quan tới tình hình Ukraine.

Các nhà sản xuất Nga đánh giá rất tích cực về các biện pháp cấm vận thực phẩm phương Tây, cũng như những chính sách thay thế nhập khẩu của Chính phủ Nga.

Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất và cung cấp các mặt hàng thực phẩm Nga (Rusprodsoyuz) Dmitry Vostrikov nhận định nhờ áp đặt lệnh cấm vận thực phẩm và thúc đẩy các chương trình thay thế nhập khẩu, các nhà sản xuất Nga đã thành công trong việc đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm trong nước.

Theo ông Vostrikov, hiện tổng thị phần thực phẩm của Nga tại các cửa hàng nước này chiếm tới 77%, đặc biệt một số mặt hàng chính như bánh mì, sữa, thịt lợn, cá, ngũ cốc và trứng thậm chí đạt mức 100%.

Ngành trồng rau quả cũng được hưởng lợi không ít từ lệnh cấm thực phẩm phương Tây. Hàng loạt nhà kính trồng rau quả hiện đại, vườn công nghiệp được đầu tư xây dựng. Nhờ đó, thị phần dưa chuột, cà chua sản xuất trong nước bán trên thị trường nội địa chiếm lần lượt 85% và 50%.

Đặc biệt, năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên trong vòng 5 năm thị phần táo trồng tại Nga bán trên thị trường đã vượt táo nhập khẩu. Tất cả mặt hàng thực phẩm của các nhà sản xuất trong nước đều bảo đảm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận thực phẩm phương Tây cũng gây ra những hệ lụy nhất định. Trên thực tế, hàng hóa sản xuất trong nước chưa thể thay thế hoàn toàn các mặt hàng nhập khẩu, vì đối với nhiều ngành như chăn nuôi bò sữa và bò thịt, không thể tăng sản xuất trong một thời gian ngắn.

Theo số liệu thống kê, các nhà sản xuất Nga chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng thịt bò và sữa bò, số còn lại phải nhập khẩu từ Belarus (Bê-la-rút). Nhiều lĩnh vực khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Hơn nữa, lệnh cấm vận thực phẩm phương Tây được áp đặt năm 2014 không nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế Darya Snitko, những biện pháp cấm vận này dẫn đến hạn chế sự cạnh tranh trên thị trường, tái định hướng các dòng hàng từ nước này sang nước khác, khiến giá thực phẩm trên thị trường Nga phần nào tăng lên.

Liệu các doanh nghiệp Nga có đủ khả năng cạnh tranh khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, đây là vấn đề cần lưu tâm. Hơn nữa, các mặt hàng bị cấm nhập khẩu chủ yếu từ châu Âu, và điều này không phải lúc nào cũng tốt cho người tiêu dùng xét về cả giá cả cũng như chất lượng sản phẩm.

Mặc dù còn có một số ý kiến khác, song phần lớn giới phân tích đều khẳng định việc cấm vận thực phẩm phương Tây đã giúp ngành nông nghiệp Nga từng bước hồi sinh.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Aleksander Tkachev, sản lượng rau trồng nhà kính năm 2016 đã tăng 8%, đạt 691.000 tấn. Ngoài ra, có thêm 160 hecta nhà kính đã được đưa vào canh tác. Ước tính các nhà sản xuất Nga đã đảm bảo cung cấp được tới 90% lượng tiêu thụ rau cho cả nước. Trong khi đó, thực phẩm nhập khẩu trong vòng ba năm qua đã giảm gần 50% còn 25 tỷ USD.

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây đến cuối năm 2018.

Như vậy, các nhà sản xuất Nga vẫn còn thời gian để thay đổi chiến lược của mình theo hướng tăng mạnh sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, đồng thời đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để có đủ khả năng cạnh tranh khi lệnh cấm vận nói trên được dỡ bỏ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục