Nga tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V từ tuần sau

21:48' - 13/01/2021
BNEWS Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết nước này đã sẵn sàng triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V từ ngày 18/1 tới.

Ngày 13/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị giới chức nước này bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ tuần tới, đồng thời ca ngợi vaccine Sputnik V do nước này sản xuất là tốt nhất thế giới.

Phát biểu trước các quan chức trong cuộc họp chính phủ, Tổng thống Putin nêu rõ: "Tôi yêu cầu bắt đầu tiến hành tiêm chủng đại trà cho tất cả người dân từ tuần tới. Vaccine (Sputnik V) của Nga là tốt nhất trên thế giới".

Ông đặc biệt nhấn mạnh đến ưu điểm của vaccine Sputnik V đó là điều kiện bảo quản trong quá trình vận chuyển đơn giản mà hiệu quả.

Ông cho rằng Nga nên chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng liên quan để thúc đẩy việc sản xuất vaccine này, vốn được Moskva quảng bá là có giá thành rẻ hơn và dễ dàng vận chuyển hơn các loại vaccine ngừa COVID-19 khác.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết nước này đã sẵn sàng triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V từ ngày 18/1 tới.

Với số ca mắc COVID-19 nhiều thứ tư thế giới, Nga đã bắt đầu triển khai tiêm chủng quy mô lớn vaccine Sputnik V hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó ưu tiên các bác sĩ và những nhân viên y tế ở tuyến đầu. Được Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh Gamaleya hợp tác với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) phát triển, Sputnik V là vaccine ngừa COVID-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới dù chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3.

Vaccine này dựa trên nền tảng vector adenovirus ở người mà ưu điểm quan trọng là an toàn, hiệu quả và không có tác dụng phụ lâu dài. Các dữ liệu thử nghiệm sơ bộ được công bố vào tuần trước cho thấy vaccine Sputnik V, được nhà chức trách cấp phép sử dụng hồi tháng 8 năm ngoái, đạt hiệu quả phòng ngừa lên tới 91,4%. RDIF ngày 11/1 cho biết đã có hơn 1,5 triệu người trên thế giới được chủng ngừa COVID-19 bằng vaccine Sputnik V.

Cùng ngày, Chủ tịch hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) Tom Keith-Roach cho biết công ty đang đẩy nhanh tiên độ phân phối vaccine cho Vương quốc Anh nhằm thực hiện mục tiêu cung cấp 2 triệu liều vaccine/tuần vào hoặc trước giữa tháng 2 tới. Theo ông Keith-Roach, tới nay, hãng mới chỉ phân phối hơn 1,1 triệu liều.

Hồi cuối năm ngoái, Chính phủ Anh đã chính thức cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 do tập đoàn dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp phát triển, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine này.

AstraZeneca cho biết vaccine của họ gồm 2 mũi tiêm và nước Anh đã đặt hàng khoảng 100 triệu liều trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang phải chật vật đối phó với sự gia tăng số ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford được điều chế bằng công nghệ vector, sử dụng virus gây bệnh cảm lạnh thông thường ở tinh tinh. Nó được phát triển để giúp hệ miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 khi virus này xâm nhập vào cơ thể.

Kết quả các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả ngăn ngừa của vaccine dao động trong khoảng 62%-90%, tùy thuộc vào liều tiêm. Có hai liệu trình vaccine khác nhau trong thử nghiệm. Ở phác đồ một, tình nguyện viên được tiêm một nửa liều, sau đó ít nhất một tháng được tiêm liều đầy đủ, đạt hiệu quả 90%.

Phác đồ thứ hai tiêm hai liều đầy đủ cách nhau một tháng, đạt hiệu quả 62%. Hiệu quả trung bình của hai phác đồ là 70,4%. So với 2 loại vaccine của hãng dược Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ), vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford có thể được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ không quá lạnh, nhờ đó tiết kiệm chi phí và dễ dàng sử dụng hơn.

Hãng Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ đang có nguy cơ chậm tiến độ sản xuất vaccine phòng COVID-19 và có khả năng không thể cung cấp đủ liều vaccine như đã cam kết với Chính phủ Mỹ vào mùa Xuân này.

Tờ New York Times ngày 13/1 đưa tin các quan chức liên bang Mỹ đã được thông báo về tình trạng chậm tiến độ sản xuất của J&J so với lịch trình và khả năng không thể đáp ứng kịp đơn hàng cho tới cuối tháng 4 tới, khi hãng này đã đồng ý bàn giao hơn 60 triệu liều vaccine.

Hiện J&J và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Tháng 8 năm ngoái, J&J đã ký hợp đồng trị giá 1 tỷ USD với Chính phủ Mỹ, cam kết cung cấp lên tới 100 triệu liều vaccine vào giữa năm 2021.

Việc phê duyệt vaccine của J&J có thể giúp đẩy nhanh công tác tiêm chủng tại Mỹ vì chế phẩm này có thể chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất, không giống như hai loại vaccine đã được cấp phép của Pfizer/BioNTech và Moderna, đều gồm 2 liều cách nhau một vài tuần./.

>>>Canada chưa có kế hoạch chia sẻ vaccine cho nước khác

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục