Ngăn chặn các vi phạm về gian lận thương mại

14:52' - 18/08/2020
BNEWS Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình trạng găm hàng, đẩy giá, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng gia tăng.

Do vậy lực lượng quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, buôn bán đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng siết chặt khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Từ đó, nhiều vi phạm về gian lận thương mại đã được phát hiện, xử lý kịp thời, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tình hình vi phạm trong kinh doanh về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả hàng kém chất lượng trên địa bàn Yên Bái vẫn còn xảy ra.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái, trong 7 tháng của năm 2020, đơn vị đã thực hiện kiểm tra 561 vụ, xử lý 483 vụ với tổng số tiền xử phạt hành chính trên 756 triệu đồng, bán hàng tịch thu trên 670 triệu đồng; số tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 1,426 tỷ đồng.

Lực lượng quản lý thị trường cũng đã tiêu hủy nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng với tổng giá trị trên 418 triệu đồng…

Nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên để xây dựng các kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở vi phạm.

Các đội quản lý thị trường thường xuyên kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho các cơ sở kinh doanh và cách nhận biết hàng giả, hàng thật cho người dân, nhất là tại các vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại; tập trung vào kiểm tra, kiểm soát các nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ tết như: bánh mứt kẹo, rượu bia, thuốc lá, lương thực, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa…

Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã bố trí 100% quân số trực 24/24 giờ, theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để kịp thời kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm tại các chợ đầu mối, chợ nông thôn; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh thông qua mạng xã hội.

Đặc biệt là những mặt hàng xách tay trôi nổi không nhãn mác, chưa được các cơ quan chức năng kiểm định được bày bán trên các trang mạng xã hội.

Cùng với đó, để bình ổn thị trường, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái giao cho các đội nắm bắt tình hình giá cả, lượng lưu chuyển hàng hóa, dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp, cá nhân; qua đó, xây dựng phương án kiểm tra nếu thị trường có diễn biến xấu về cung cầu hàng hóa.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng một số điểm đăng ký bán hàng bình ổn giá, yêu cầu các cơ sở kinh doanh các mặt hàng bình ổn giá phải đăng ký giá, kê khai giá, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn…

Ông Phan Bá Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái cho biết, ngoài các cuộc kiểm tra do đơn vị triển khai, chủ trì, lực lượng quản lý thị trường còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm gian lận thương mại.

Đặc biệt, trong đợt cao điểm chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, ngoài Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm do tỉnh thành lập, Cục Quản lý thị trường còn chỉ đạo các đội quản lý địa bàn cử cán bộ tham gia 8 đoàn kiểm tra liên ngành tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Trong những tháng cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường để tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở vi phẩm; trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại trên các tuyến đường và địa bàn cố định; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả tại các chợ xã cho nhân dân, người tiêu dùng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục