Ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu

16:54' - 21/02/2019
BNEWS Nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu hiện đã không còn phổ biến, có tổ chức thành tụ điểm như trước mà chỉ còn tập trung ở các cơ sở quy mô nhỏ lẻ, vùng giáp ranh các tỉnh, hoạt động lén lút...
Tôm bơm tạp chất. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 2 năm (2017 và 2018) thực hiện Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất, tại bốn tỉnh trọng điểm về tôm của cả nước là: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang cho thấy, qua kiểm tra, phát hiện 177 vụ vi phạm về hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, xử phạt với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, đề án được triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ. Từ đó, nạn bơm chích tạp chất đã không còn, phổ biến, có quy mô, tổ chức thành tụ điểm như trước mà chỉ còn tập trung ở các cơ sở quy mô nhỏ lẻ, vùng giáp ranh các tỉnh, hoạt động lén lút, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như: một số địa phương vẫn chưa xử lý đầy đủ khi phát hiện hành vi bơm chích tạp chất, chủ yếu chỉ là phạt tiền mà chưa áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Hay như vấn đề xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương khi phát hiện vi phạm tạp chất trên địa bàn vẫn chưa được thực hiện...

Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản, cơ quan địa phương đã bước đầu triển khai có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Nhưng, việc thực hiện vẫn chỉ tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu. Tỉnh Sóc Trăng không phát hiện, xử lý được trường hợp vi phạm nào trên địa bàn. Ngoài ra, chưa có trường hợp nào được áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động.

Là địa phương trọng điểm của ngành tôm của cả nước, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau đề xuất, mặc dù đã tổ chức cho tất cả các cơ sở thu mua, sơ chế có ký kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Nhưng việc tuân thủ cam kết còn chưa triệt để. Mục tiêu của đề án này là đến cuối năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu nên tỉnh Cà Mau đang đề nghị Chính phủ tiếp tục cho triển khai đề án.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho rằng, hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của ngành hàng tôm Việt Nam. Vì vậy, cần kiên quyết, xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm. Các địa phương cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra về bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu", ông Nguyễn Như Tiệp, nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp đã được các địa phương thực hiện đề án đề xuất; trong đó, chủ yếu là: Chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền để đảm bảo người dân và doanh nghiệp hiểu đầy đủ tác hại của bơm tạp chất đối với sự phát triển của ngành tôm; thương lái và đại lý thu mua vì lợi nhuận mà bất chấp để vi phạm, do đó nếu cần thiết ban hành mới, bổ sung các hình thức xử phạt mới để đảm bảo tính răn đe...

Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13/12/2016, thời gian thực hiện đến hết năm 2018. Đề án đã đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước./.

>>> Phát hiện cơ sở bơm tạp chất vào tôm

>>> Triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng bơm tạp chất vào tôm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục