Ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ gạo Việt Nam

13:13' - 18/06/2021
BNEWS Giá gạo trong nước và xuất khẩu đều ở mức cao cũng làm gia tăng nguy cơ gian lận xuất xứ đối với gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Những tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, giúp kim ngạch xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm chỉ giảm 5% về giá trị trong khi khối lượng giảm tới 11,3%.

Tuy nhiên, giá gạo trong nước và xuất khẩu đều ở mức cao cũng làm gia tăng nguy cơ gian lận xuất xứ đối với gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

*Nhiều dấu hiệu lo ngại

Theo thống kê của Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 6/2021 các doanh nghiệp đã nhập khẩu qua các cảng thành phố 304.000 tấn gạo Ấn Độ các loại; trong đó có hơn 112.000 tấn tấm, 54.000 tấn thóc và 12.000 tấn gạo dùng cho thức ăn chăn nuôi, còn lại khoảng 126.000 tấn gạo xát (gạo 5% tấm).

Nguyên nhân một số doanh nghiệp nhập khẩu nhiều gạo 5% tấm và 100% tấm từ Ấn Độ bởi giá 2 loại gạo này của Ấn Độ chỉ ở mức khoảng 400 USD/tấn và 280 USD/tấn, thấp hơn khoảng 100 USD/tấn so với giá gạo cùng loại Việt Nam.

Thêm vào đó, theo biểu thuế nhập khẩu của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%. Do đó, gạo Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam có giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với gạo Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam từng nhập 70.000 tấn gạo 100% tấm từ Ấn Độ, chủ yếu để làm bánh, bún, nấu bia… do nguồn cung trong nước thiếu hụt. Tuy nhiên sang năm 2021, các doanh nghiệp trong nước cho biết nguồn cung gạo, kể cả tấm khá dồi dào do xuất khẩu chậm hơn so với những năm trước.

Điều đáng nói là cùng với việc lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ tăng lên thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều dấu hiệu của việc gian lận xuất xứ đối với gạo Ấn Độ, gây ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt Nam.

Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh thông tin, trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đã phát hiện một số dấu hiệu gian lận và vi phạm của doanh nghiệp xuất/nhập khẩu gạo. Cụ thể, có 3 lô hàng nhập khẩu gạo, xuất xứ Ấn Độ đang trong quá trình tiến hành xử lý vi phạm hành chính về hành vi nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có nhãn gốc mà không có nhãn gốc hàng hóa.

Bên cạnh đó, có 1 lô hàng xuất khẩu có nghi vấn về xuất xứ hàng hóa. Hiện tại, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh đang tiến hành kiểm tra, xác minh và xem xét tiến hành kiểm tra tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để có cơ sở xử lý theo quy định.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nhập gạo trắng Ấn Độ về đánh bóng, rồi pha trộn thêm gạo trắng Việt Nam sau đó xuất khẩu ra nước ngoài với xuất xứ Việt Nam gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu gạo của Việt Nam.

Đã có khách hàng tại Trung Đông phản ánh về việc một số lô gạo trắng nhập từ Việt Nam rất xấu, cũ, chất lượng thấp chỉ ở mức tương đương với gạo Ấn Độ. Trước tình trạng đó, các khách hàng này đã ngưng mua gạo của Việt Nam vì lo ngại mua phải gạo Ấn Độ mạo danh xuất xứ Việt Nam.

Không chỉ gian lận xuất xứ gạo Việt Nam để xuất khẩu, gạo Ấn Độ còn được một số đơn vị nhập về và đóng bao, gắn tên loại gạo Việt Nam đang bán trên thị trường để tiêu thụ nội địa.

Tại một số đại lý, giá bán gạo trắng loại 5% tấm từ Ấn Độ nhập về chỉ khoảng từ 11.000-11.200 đồng/kg nhưng khi đóng bao bì gạo Việt bán cho người tiêu dùng có giá lên tới 13.500-14.500 đồng/kg. Như vậy, mỗi kg gạo Ấn Độ bán ra doanh nghiệp gian lận có lãi từ 2.500-3.300 đồng, cao hơn so với kinh doanh gạo Việt Nam, ông Phan Văn Có dẫn chứng.

*Cần ngăn chặn sớm

Trước nguy cơ gạo Ấn Độ "đội lốt" xuất xứ Việt Nam, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã kiến nghị cần có cơ chế giám sát đối với gạo nhập khẩu để tránh tình trạng "nhập nhèm" về xuất xứ gây mất uy tín ở các thị trường xuất khẩu.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An phân tích, việc gạo Việt Nam chào bán được giá cao và được nhiều khách hàng nước ngoài lựa chọn là nỗ lực, công sức của cả hệ thống từ người nông dân đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cùng với ngoại giao kinh tế của Chính phủ và các bộ, ngành.

Việc gian lận xuất xứ hàng hóa là một trong những điều cấm kị trong thương mại quốc tế và bị các quốc gia nhập khẩu áp dụng chế tài rất nặng. Chỉ với 1 lô hàng vi phạm gian lận thì thiệt hại không chỉ ở giá trị lô hàng đó mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của toàn bộ ngành hàng xuất khẩu đó.

“Thiệt hại trước mắt trong việc các khách hàng nghi ngờ xuất xứ gạo Việt Nam thời gian gần đây là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm rất nhanh. Nếu như ở vụ Đông Xuân vừa qua, gạo Việt Nam được chào bán với giá từ 520-530 USD/tấn vẫn chốt được đơn thì hiện tại giá chào bán chỉ ở mức từ 470-480USD/tấn nhưng nhiều khách hàng đang “dè chừng”, đơn hàng xuất khẩu gạo ngày càng ít.

Với đà này, giá lúa gạo trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi đã bắt đầu vào vụ Hè Thu. Không ai khác nông dân trồng lúa là người chịu thiệt hại trực tiếp, kế đến là các doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn chân chính và toàn bộ ngành gạo Việt Nam.”, ông Bình nêu thực tế.

Cùng quan điểm, ông Phan Văn Có cho rằng, nói gạo Ấn Độ rẻ hơn gạo Việt Nam cùng chủng loại là không chính xác bởi cùng tỷ lệ tấm nhưng thực chất gạo Ấn Độ được chào bán giá rẻ đều là gạo cũ, lưu kho từ những năm trước, chất lượng và bề mặt đều rất xấu, khác hẳn gạo Việt Nam.

Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu gạo chỉ cần quan sát bằng mắt thường đã nhận thấy khác biệt, và khi nghi ngờ về xuất xứ họ sẽ chuyển sang nhập gạo Ấn Độ hoặc gạo các nước khác có giá tương đương.

Điều này khiến việc xuất khẩu gạo trắng của Việt Nam những tháng gần đây rất ảm đạm, giá gạo trắng trong nước hiện đã giảm mạnh so với thời điểm tháng 3-4/2021.

Những doanh nghiệp nhập khẩu gạo Ấn Độ có thể xuất khẩu ngay tại cảng theo diện “tạm nhập tái xuất”, hoặc đưa hẳn gạo về kho ở một số tỉnh miền Tây, sau đó chào hàng các doanh nghiệp xuất khẩu khác hoặc các đại lý tiêu thụ trong nước.

“Do đó, để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, cơ quan chức năng cần có cơ chế giám sát gạo nhập khẩu và chế tài xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm.

Đồng thời, cần công khai tên những doanh nghiệp nhập khẩu gạo Ấn Độ rồi xuất khẩu, chào hàng dưới danh nghĩa gạo Việt Nam để doanh nghiệp và người tiêu dùng “tránh” mua phải gạo giả mạo xuất xứ.”, ông Có đề xuất.

Đại diện Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, để ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam, các chi cục hải quan trên địa bàn đã tăng cường thu thập, phân tích thông tin các doanh nghiệp có cả hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu mặt hàng gạo để kịp thời phát hiện các lô hàng có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ.

Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh cũng đề nghị Tổng cục Hải quan trao đổi với Bộ Công Thương hỗ trợ các thông tin về chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường, những cảnh báo gian lận (nếu có) để đơn vị có thêm các giải pháp kiểm soát ngay tại cửa khẩu; đồng thời kiến nghị Bộ Công thương xây dựng thêm các quy định nhằm đáp ứng tiêu chí xuất xứ, tiêu chuẩn gạo xuất khẩu của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục