Ngân hàng khó thu hồi vốn "tàu 67"

11:50' - 02/08/2019
BNEWS Sau 4 năm cho vay đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ (Nghị định 67), các ngân hàng ở Phú Yên đang gặp khó trong quá trình thu hồi nợ.
Một tàu cá vay vốn theo Nghị định 67. Ảnh minh họa: Nguyễn Thành - TTXVN

Một số khách hàng đã “bỏ” tàu không đi khai thác thủy sản khiến cho nợ xấu của các khoản cho vay đang có xu hướng tăng cao.

Đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã ký 24 hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới, nâng cấp cải hoán tàu cá theo Nghị định 67. Số tiền được các ngân hàng cam kết cho vay là 281,7 tỷ đồng; trong đó, giải ngân 280,9 tỷ đồng. Đến nay, số tiền các ngân hàng đã thu nợ được mới chỉ ở mức 10,2 tỷ đồng; dư nợ là 270,8 tỷ đồng, trong đó, cơ cấu kỳ hạn trả nợ 1,7 tỷ đồng, nợ xấu 30,8 tỷ đồng.

Tàu vỏ thép của gia đình ông Trương Văn Công, phường Phú Đông, Tp. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên được đóng mới với tổng kinh phí đầu tư gần 19 tỷ đồng. Theo đó, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Phú Yên cho vay ưu đãi 95%, phần còn lại là vốn đối ứng của ngư dân. Tàu cá của gia đình ông đi khai thác thủy sản liên tục và số tiền thu được ông vẫn trả lãi ngân hàng nhưng không đều đặn.

Ông Trương Văn Công cho biết, bình quân mỗi năm để tàu cá hoạt động tốt thì chi phí bỏ ra để bảo trì, bảo dưỡng khoảng 300 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập không tăng do nguồn lợi khai thác được lại giảm. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc trả lãi và gốc vốn vay cho ngân hàng không đủ.

Bên cạnh một số ngư dân gặp khó khăn thật sự không thể trả nợ, có những tàu làm ăn hiệu quả nhưng khất lần không trả nợ vay ngân hàng; không hợp tác khi ngân hàng đôn đốc thu hồi nợ. Một số chủ tàu khác lại có tâm lý làm được thì làm, không làm được thì giao tàu lại cho ngân hàng, ngân hàng nhận tàu coi như không còn nợ.

Ở tỉnh Phú Yên phần lớn khách hàng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 thường đi khai thác theo hình thức đơn lẻ. Chủ tàu thường bán hải sản ngay trên biển hoặc tại các cảng cá ở các tỉnh bạn nên khả năng kết nối theo chuỗi giữa hoạt động khai thác - chế biến - tiêu thụ còn rất hạn chế. Đây là điều rất khó để xác định tàu làm ăn có hiệu quả và đủ khả năng trả nợ ngân hàng hay không.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên hiện đang tính toán đến các phương án nhằm kiểm soát việc bán hàng của ngư dân sau mỗi chuyến đi biển.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, sắp tới Sở sẽ tham khảo một số địa phương khác để quản lý tàu cập cảng bán thủy sản khai thác được sau chuyến đi biển. Các tàu cá khi đăng ký xuất bến tại địa phương mà vắng trong thời gian dài không về cảng thì sẽ có biện pháp mạnh để xử lý. Đây là điều kiện cần thiết để đánh giá được hiệu quả khai thác và khả năng trả nợ ngân hàng của tàu cá.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Yên, sau quá trình triển khai Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hồi nợ. Các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ngân hàng trong việc xử lý tài sản đảm bảo theo quy định đối với các khách hàng chây ỳ, không có thiện chí trả nợ để thu hồi nợ vay.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Yên chuyển toàn bộ tiền thanh toán hỗ trợ theo Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích khai thác hải sản ở vùng biển xa của tất cả khách hàng vay theo Nghị định 67 qua tài khoản mở tại ngân hàng để ngân hàng quản lý, thương lượng thu hồi nợ vay./.

>>> Tháo gỡ khó khăn để “tàu 67” vươn khơi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục