Tháo gỡ khó khăn để “tàu 67” vươn khơi

12:56' - 26/07/2019
BNEWS Do nhiều yếu tố tác động khiến nghề cũ không hiệu quả, tàu bị thua lỗ phải nằm bờ dài ngày, hiện nay nhiều ngư dân đã lên phương án chuyển đổi nghề khai thác.
“Tàu 67” số hiệu NT 91388 TS của ngư dân Ninh Thuận cập cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Những năm qua, Nghị định 67/2014/NĐ - CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) và Nghị định 89/2015/NĐ - CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 đã giúp ngư dân các tỉnh ven biển trong cả nước có cơ hội được đóng tàu công suất lớn vươn khơi khai thác hải sản, giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện đang phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc đòi hỏi phải được tháo gỡ kịp thời để chính sách phát huy hết hiệu quả. Tỉnh Ninh Thuận cũng không nằm ngoài những khó khăn này.

Động lực cho ngư dân vươn khơi

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ - CP, Nghị định 89/2015/NĐ - CP (Nghị định 89), Ninh Thuận có 43 dự án được phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá với tổng dự toán gần 490 tỷ đồng. Đến nay, cả 43 dự án gồm đóng mới 41 tàu, nâng cấp 2 tàu cá đã hoàn thành, đi vào hoạt động gồm 1 tàu vỏ thép, 24 vỏ composite và 18 tàu vỏ gỗ.

Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 và Nghị định 89 đã làm thay đổi bộ mặt nghề cá, tập quán đánh bắt của ngư dân trong tỉnh. Lần đầu tiên Ninh Thuận có những tàu cá được đóng vỏ thép, composite với chiều dài trên 20 mét, trang bị máy chính mới 100%, công suất trên 800CV với trang thiết bị khai thác hải sản hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những “tàu 67” hoạt động hiệu quả, có không ít trường hợp “tàu 67” hoạt động thua lỗ, cầm chừng. Theo thống kê của các ngân hàng thương mại cho vay theo Nghị định 67, trong 43 “tàu 67” hiện có 28 tàu hoạt động hiệu quả, có lãi trung bình từ 30 triệu đến 1,5 tỷ đồng/chuyến đi biển, các chủ tàu thực hiện trả lãi cho ngân hàng theo đúng cam kết; có 10 “tàu 67” hoạt động thua lỗ, số tàu còn lại hòa vốn sau các chuyến biển, nguy cơ phát sinh nợ xấu.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Đào (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) cho biết, ông hạ thủy “tàu 67” vỏ gỗ công suất 970CV, số hiệu NT 91423 TS hành nghề chụp vào tháng 6/2018. Từ ngày hạ thủy đến nay, tàu đi biển được 5 chuyến nhưng đều thua lỗ, ước tính mỗi chuyến biển lỗ từ 50 đến trên 100 triệu đồng. Đầu năm 2019, tàu đi biển được 1 chuyến rồi về nằm bờ tại cảng Cà Ná, đến nay, chưa có kế hoạch ra khơi. Mỗi tháng, ông Đào phải bỏ gần 2 triệu đồng để bảo dưỡng con tàu.

Ông Đào cho hay, tàu NT 91423 TS có tổng mức đầu tư trên 10,8 tỷ đồng; trong đó, nhà nước hỗ trợ vay 7,5 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng. Tất cả niềm hy vọng trông hết vào con tàu nhưng mỗi lần đi biển là mỗi lần thua lỗ. Khai thác không hiệu quả do ngư trường khai thác ngày một khó khăn, tiền tái đầu tư cho mỗi chuyến biển không có, hiện khoản vay ngoài gần 300 triệu đồng để mua xăng dầu, trả tiền công cho bạn thuyền đến kỳ hạn trả nợ chưa biết xoay sở từ đâu.

“Tàu 67” số hiệu NT 91142 TS hành nghề dịch vụ hậu cần của ngư dân Ninh Thuận cập cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Cùng hoàn cảnh, bà Vương Thị Thúy Vân (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam) có “tàu 67” NT 91242 TS công suất 600CV, trị giá 10,3 tỷ đồng; trong đó, ngân hàng hỗ trợ vay 7,3 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng, hành nghề câu khơi. Từ đầu năm 2019 đến nay, tàu ra khơi được 6 chuyến đều lỗ, cộng dồn lên đến 600 triệu đồng. Bà Vân cho biết, mấy năm trước còn khai thác được, nhưng năm nay, “biển đói” cá hiếm nên ra khơi là lỗ. Trong khi đó, hàng tháng nhân viên ngân hàng ráo riết truy nợ, khó khăn chồng chất.

Theo một lãnh đạo ngành nông nghiệp Ninh Thuận, các “tàu 67” hoạt động không hiệu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau như khó khăn về ngư trường, nguồn lợi hải sản giảm sút, giá nhiên liệu tăng, thiếu lao động đi biển. Ngoài ra, khả năng tài chính, kinh nghiệm khai thác vùng khơi các chủ tàu còn hạn chế. Quá trình vận hành các trang thiết bị khai thác của một số tàu gặp trục trặc cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian bám biển khai thác, thời gian đi lại sửa chữa nhiều lần làm chi phí đầu tư tăng cao.

Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Ninh Thuận, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, tính đến ngày 30/6/2019, Agribank Ninh Thuận đã phê duyệt cho vay đóng mới, nâng cấp 41 tàu cá với tổng số tiền cam kết cho vay 414,517 tỷ đồng, đã giải ngân 406, 514 tỷ đồng, thu nợ 11,867 tỷ đồng. Bên cạnh những chủ tàu trả nợ đúng kỳ hạn cam kết hiện còn 16 chủ tàu chưa trả nợ đúng hạn với dư nợ 8,971 tỷ đồng, quá trình thu hồi nợ rất khó khăn.

Theo kiến nghị của ngư dân, khai thác hải sản phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, ngư trường, có khi nhiều tháng liền không thể đánh bắt. Do đó, ngư dân mong muốn được gia hạn nợ nhiều lần. Cụ thể, gia hạn hợp đồng thời gian vay vốn đóng “tàu 67”, hỗ trợ chi phí bảo hiểm khai thác hải sản cho thân tàu 90%. Các ngân hàng duy trì lãi suất ưu đãi 3%/năm như ban đầu, vì hiện nay do nhiều nguyên nhân khách quan phát sinh các chủ tàu không thực hiện trả nợ đúng cam kết nên các ngân hàng buộc chuyển sang lãi suất không ưu đãi 7%/năm.

Căn cứ theo quy định, toàn bộ dư nợ đến hạn chưa trả không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Điều 3, Thông tư 114/2014/TT – BTC của Bộ Tài chính về điều kiện cấp bù lãi suất do không phải thiệt hại vì nguyên nhân khách quan bất khả kháng như tàu bị thiên tai trên biển, tàu bị nước ngoài bắt giữ sau đó trả lại, tàu bị nước ngoài hoặc hải tặc đâm va. Nếu không được bổ sung các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng phát sinh từ thực tế được hưởng cơ chế xử lý rủi ro, thì hiện nay ngư dân vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.

Do nhiều yếu tố tác động khiến nghề cũ không hiệu quả, tàu bị thua lỗ phải nằm bờ dài ngày, hiện nay nhiều ngư dân đã lên phương án chuyển đổi nghề khai thác. Tuy nhiên, việc chuyển sang nghề khai thác mới đòi hỏi ngư dân phải chuyển đổi kết cấu tàu và ngư lưới cụ theo các quy định với chi phí đầu tư thêm từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Trong khi đó, tất cả vốn liếng đã dành hết cho “tàu 67” nên không thể tiếp tục vay vốn ngân hàng vì không còn tài sản để thế chấp. Trường hợp, ngư dân muốn bán tàu cũng gặp không ít khó khăn vì vướng các quy định.

 Tàu cá của ông Trần Đào (giữa - xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) hành nghề chụp đã nằm tại cảng Cà Ná hơn ba tháng vì hoạt động thua lỗ. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Dẫn chứng điều này, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết về trường hợp sang nhượng lại tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần số hiệu NT 91234 TS công suất 829 CV do ngư dân Dương Văn Thắng (phường Mỹ Đông, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) làm chủ. Từ tháng 9/2016 đến tháng 10/2017, tỉnh Ninh Thuận đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng con tàu, khẳng định chất lượng con tàu, tìm hướng xử lý sang nhượng lại tàu cho chủ mới nhưng vẫn chưa tìm ra phương án tối ưu.

Cụ thể, thực hiện khoản 6, Điều 1 Thông tư 12/2018/TT – NHNN ngày 27/04/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc chuyển nhượng chủ sở hữu, chủ sở hữu mới phải nhận toàn bộ khoản nợ từ chủ sở hữu cũ, bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng trước thời điểm bàn giao. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận chuyển nhượng lại “tàu 67” hiện chưa được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.

Về hướng xử lý chuyển nhượng chủ sở hữu “tàu 67”, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chuyển đổi chủ sở hữu các tàu đóng mới theo Nghị định 67 không còn đủ năng lực hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, tàu cá thuộc diện này vẫn chưa được Trung ương hướng dẫn giải quyết.

Để các dự án “tàu 67” hoạt động hiệu quả, UBND tỉnh Ninh Thuận sớm chỉ đạo các Sở, ngành liên quan khẩn trương phối hợp cùng các ngân hàng thống nhất chủ trương đồng hành, hỗ trợ ngư dân trong việc tháo gỡ khó khăn cũng như xử lý các khoản nợ vay theo quy định.

Bên cạnh đó, để giúp ngư dân chủ động và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, ngoài việc đầu tư hạ tầng nghề cá theo hướng hiện đại, các ngành chuyên môn của tỉnh Ninh Thuận cần đánh giá trữ lượng hải sản trên các vùng biển để cơ cấu hợp lý hơn các nghề sản xuất cũng như tăng cường công tác dự báo ngư trường đánh bắt; đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân chấp hành các quy định của Nhà nước trong quá trình khai thác và hậu cần nghề cá trên biển./. 

>>> Tìm biện pháp “gỡ khó” khi thực hiện chính sách tín dụng cho tàu 67

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục