Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trước "ngã ba đường"

16:04' - 19/05/2025
BNEWS BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế phục hồi sau những tác động tiêu cực dự kiến từ việc Mỹ tăng thuế quan, đồng thời cảnh báo về một triển vọng hết sức bất ổn.

Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Shinichi Uchida cho biết BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế phục hồi sau những tác động tiêu cực dự kiến từ việc Mỹ tăng thuế quan, đồng thời cảnh báo về một triển vọng hết sức bất ổn.

 

Phát biểu trước Quốc hội, ông Uchida nhận định lạm phát cơ bản của Nhật Bản sẽ duy trì quanh mục tiêu 2% của BoJ nếu tình hình kinh tế cải thiện. Ông lưu ý rằng giá cả trong nước tăng gần đây phần lớn là do chi phí nhập khẩu cao hơn và giá lương thực, thực phẩm như giá gạo tăng.

Theo quan chức trên, BoJ hiểu được rằng giá cả tăng đang có tác độnh tiêu cực đến đời sống và tiêu dùng của người dân. Nếu dự báo của BoJ trở thành hiện thực, ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Tuy vậy, ông Uchida cũng cảnh báo triển vọng chính sách thương mại của mỗi quốc gia và những hệ lụy của nó là cực kỳ bất ổn. Do đó, BoJ sẽ xác định một cách khách quan xem liệu nền kinh tế và giá cả có diễn biến đúng như dự báo hay không.

Dữ liệu công bố trước đó cho thấy, kinh tế Nhật Bản đã suy giảm lần đầu tiên trong một năm vào quý I (kết thúc vào tháng 3/2025) và với tốc độ nhanh hơn dự kiến, điều này cho thấy rõ sự mong manh của đà phục hồi, vốn đang đứng trước rủi ro bởi các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sau khi chấm dứt chính sách kích thích kéo dài 10 năm trong năm 2024, BoJ đã tăng lãi suất lên 0,5% vào 1/2025 và phát tín hiệu sẵn sàng tiếp tục tăng chi phí đi vay nếu đà phục hồi kinh tế vừa phải giúp Nhật Bản duy trì lộ trình đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.

Tuy nhiên, những lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu do các chính sách của ông Trump gây ra đã buộc BoJ phải cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng tại cuộc họp chính sách ngày 30/4 - 1/5, đồng thời làm dấy lên nghi ngờ về quan điểm cho rằng việc tăng lương bền vững sẽ củng cố tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.

Dữ liệu từ Bộ Nội vụ và Truyền thông cho thấy chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 3/2025 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 0,2% của thị trường. So với tháng trước, chi tiêu tăng 0,4%.

Một quan chức Bộ Nội vụ và Truyền thông cho biết việc tăng chi tiêu cho các tiện ích và giải trí đã thúc đẩy số liệu chung, đồng thời có những dấu hiệu cho thấy tiêu dùng đã phục hồi trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, vị quan chức này cũng lưu ý rằng người tiêu dùng vẫn đang cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm do giá cả tăng cao.

Ngoài ra, Nhật Bản đã ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục, đạt 30.380 tỷ yen (208 tỷ USD) trong năm tài chính 2024 (kết thúc ngày 31/3/2025), đánh dấu năm thứ hai liên tiếp thiết lập mức cao lịch sử, nhờ vào lợi nhuận đầu tư nước ngoài. 

Theo báo cáo, thặng dư trong cán cân tài khoản vãng lai, chỉ số vĩ mô giúp đánh giá tình hình kinh tế của Nhật Bản, đã tăng 16,1% so với năm trước, đạt mức cao nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm tài chính 1985.  Thu nhập chính, phản ánh số tiền Nhật Bản thu được từ các khoản đầu tư ở nước ngoài, đạt mức cao kỷ lục 41.710 tỷ yen, tăng 11,7% so với một năm trước đó. Mức tăng này chủ yếu nhờ vào việc đồng yen yếu khiến lợi nhuận và cổ tức tính bằng ngoại tệ của các công ty con ở nước ngoài cao hơn.

Tuy vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng ghi nhận những tín hiệu đáng lo ngại khi lương thực tế của người lao động tại "xứ Mặt Trời mọc" tiếp tục sụt giảm tháng thứ ba liên tiếp do lạm phát dai dẳng, trong khi chi tiêu tiêu dùng bất ngờ vượt kỳ vọng. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu này, vốn đang phải đối mặt với rủi ro từ các chính sách thuế quan và sự bất ổn của chính sách tiền tệ.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, lương thực tế, sau khi được điều chỉnh theo lạm phát, một chỉ số quan trọng phản ánh sức mua của các hộ gia đình, trong tháng 3/2025 đã giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng giảm thứ ba liên tiếp sau mức giảm 1,5% (đã điều chỉnh) trong tháng 2/2025 và 2,8% trong tháng 1/2025.

Còn theo một khảo sát được công bố ngày 12/5 của công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research, số lượng doanh nghiệp phá sản tại Nhật Bản trong tháng 4/2025 đã tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước với 828 vụ, mức cao nhất của tháng Tư trong vòng 11 năm qua. Nguyên nhân chính được cho là các doanh nghiệp thiếu hụt lao động và nguồn vốn do ảnh hưởng của giá cả tăng cao.

Một quan chức của công ty Tokyo Shoko Research cảnh báo tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc thu hút và giữ chân nhân sự, vì họ không thể theo kịp mức tăng lương mà các tập đoàn lớn đang áp dụng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục