Hàn Quốc: Tiền mặt 'thất thế' trong thanh toán

07:42' - 18/05/2025
BNEWS Khoảng 10 năm trước, cứ 10 lần thanh toán thì người Hàn Quốc sẽ sử dụng tiền mặt 4 lần. Nhưng ở thời điểm hiện tại, con số này chỉ còn 1~2 lần.
Kết quả “Khảo sát về phương thức thanh toán và hành vi sử dụng dịch vụ tài chính di động năm 2024” của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) mới công bố cho thấy tỷ lệ tiền mặt được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong năm 2024 (dựa trên số lượng giao dịch) là 15,9%. Xếp thứ ba sau thẻ tín dụng là 46,2% và thẻ ghi nợ là 16,4%.

Kết quả trên được BoK tiến hành khảo sát với 3.500 người từ 19 tuổi trở lên trên toàn Hàn Quốc. Theo đó, tỷ lệ sử dụng chuyển khoản của người dân ở mức 3,7% và nạp tiền trả trước chỉ ở mức tương đối nhỏ với 2,7%.

 
Tỷ lệ sử dụng tiền mặt ở Hàn Quốc lên tới 41,3% vào năm 2013, nhưng giảm xuống 36% vào năm 2015, 36,1% vào năm 2017. Sau đó, tỷ lệ này giảm nhanh chóng, xuống mức 26,4% trong các cuộc khảo sát năm 2019 và  21,6% trong năm 2021 và tiếp tục tụt xuống dưới 20% vào năm 2024.

Khoảng 10 năm trước, cứ 10 lần thanh toán thì người Hàn Quốc sẽ sử dụng tiền mặt 4 lần. Nhưng ở thời điểm hiện tại, con số này chỉ còn 1~2 lần.

Xem xét theo nhóm tuổi, những người ở độ tuổi 20 sử dụng thẻ ghi nợ (debit card hay check card) nhiều hơn các nhóm tuổi khác, trong khi những người ở độ tuổi 30 đến 50 sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn các nhóm tuổi khác.

Ngược lại, những người từ 60 tuổi trở lên có xu hướng sử dụng tiền mặt thường xuyên hơn. Có vẻ như là do người lớn tuổi có thể bị hạn chế trong việc phát hành thẻ tín dụng sau khi nghỉ hưu và chưa quen với việc sử dụng các phương thức thanh toán điện tử mới như thẻ di động.

Số tiền mặt trung bình mà mỗi cá nhân Hàn Quốc giữ trong ví là 66.000 won (47,28 USD), tăng 7.000 won trong ba năm.

Theo nhóm tuổi, những người ở độ tuổi 50 giữ 91.000 won và những người ở độ tuổi 60 trở lên giữ 77.000 won, trong khi những người ở độ tuổi 20 thường chỉ mang ở mức thấp nhất là 27.000 won.

So với các nước khác, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Hàn Quốc là không lớn.

Theo dữ liệu khảo sát Worldpay được BoK trích dẫn trong báo cáo đánh giá mức sử dụng tiền mặt của Hàn Quốc dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách sử dụng tiền mặt của những nước tiên tiến, tỷ lệ sử dụng tiền mặt của Hàn Quốc được ước tính là 10% vào năm 2023.

Trong khảo sát này, việc sử dụng tiền mặt đề cập đến tỷ lệ số tiền mà người tiêu dùng sử dụng tiền mặt để thanh toán tại các cửa hàng ngoại tuyến.

Tỷ lệ sử dụng tiền mặt của Hàn Quốc đứng thứ 29 trong số 40 quốc gia lớn, thấp hơn mức trung bình 23% của tất cả các quốc gia được khảo sát.

Trong số các nước tiên tiến, tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao nhất theo xếp hạng sau:

Nhật Bản với 41%, Tây Ban Nha ở mức 38%, Đức với 36% và Italy (I-ta-li-a) với 25%. Mặt khác, các nước Bắc Âu như Na Uy tỷ lệ sử dụng tiền mặt chỉ ở mức 4%, Thụy Điển với 5% và Phần Lan 7% và các nước thuộc Khối thịnh vượng chung như New Zealand (Niu-di-lân, 6%), Canada (Ca-na-đa, 6%) và Australia (Ô-xtrây-li-a, 7%) có mức sử dụng tiền mặt thấp.

BoK cho biết, kết quả phân tích các chỉ số liên quan đến kinh tế, dân số và cơ cấu xã hội, cũng như bối cảnh văn hóa và lịch sử có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng tiền mặt cho thấy điều kiện của Hàn Quốc nhìn chung tương tự như các quốc gia có mức độ sử dụng tiền mặt cao.

Cụ thể, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc (tính đến năm 2023) đạt khoảng 33.000 USD, tương đương với điều kiện thu nhập của các quốc gia có mức độ sử dụng tiền mặt cao.

Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của công nghệ số, đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, lại gần hơn với những quốc gia có mức độ sử dụng tiền mặt thấp.

Tỷ lệ người cao tuổi tương tự như các quốc gia sử dụng ít tiền mặt và tỷ lệ người thu nhập thấp tương tự như những quốc gia sử dụng nhiều tiền mặt.

Số lượng máy ATM, xét theo dân số và diện tích đất, cao hơn đáng kể so với các quốc gia có mức sử dụng tiền mặt cao. Niềm tin của chính phủ và thái độ tránh rủi ro cũng tương tự như ở các quốc gia có mức sử dụng tiền mặt cao.

BoK cho biết mặc dù mức độ chỉ báo của các yếu tố quyết định việc sử dụng tiền mặt tương tự như những quốc gia có mức sử dụng cao, nhưng thực tế là việc sử dụng tiền mặt ở nước ta tương đối thấp. Dường như phần lớn là do chính sách kích hoạt thẻ tín dụng của chính phủ và Đạo luật công ty tài chính chuyên biệt cấm từ chối thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Khi việc sử dụng tiền mặt giảm, số lượng "cửa hàng không dùng tiền mặt" cũng tăng lên.

Đặc biệt, có nhiều trường hợp không thể thanh toán bằng tiền mặt, chẳng hạn như các cửa hàng ki-ốt không người bán.

Xu hướng “xe buýt không dùng tiền mặt” cũng đang gia tăng, đặc biệt là ở các chính quyền địa phương. Thành phố Seoul đã bắt đầu dự án thí điểm xe buýt không dùng tiền mặt vào năm 2021, và Incheon, Daejeon, Jeju, Daegu và Gwangju cũng đang thí điểm hoặc bãi bỏ hoàn toàn việc thanh toán vé xe buýt bằng tiền mặt.

Số lượng máy rút tiền tự động (ATM) cũng đang suy giảm. Theo BoK, số lượng máy ATM đã giảm từ 87.773 vào năm 2020 xuống còn 83.196 máy vào năm 2022 và 80.907 máy vào năm 2023.

Gần đây, khi thị trường stablecoin (là một loại tiền điện tử trong đó giá trị của tài sản kỹ thuật số được cho là được gắn với một tài sản tham chiếu, đó là tiền định danh, hàng hóa giao dịch trao đổi hoặc một loại tiền điện tử khác) gắn với giá trị tiền tệ tăng trưởng nhanh chóng, thậm chí có ý kiến cho rằng chúng có thể thay thế nhu cầu về tiền pháp định, bao gồm cả tiền tệ vật lý.

Stablecoin có giá trị ổn định, không giống như các tài sản ảo nói chung có giá trị biến động nhanh chóng, do đó chúng có thể được sử dụng như một phương tiện thanh toán chung.

Theo CoinGecko, tính đến cuối tháng 3/2025, quy mô thị trường stablecoin đạt khoảng 237,3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với mức 133,2 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Theo luật hiện hành, các loại stablecoin dựa trên đồng won Hàn Quốc không thể được phát hành trong nước, nhưng các loại tiền ổn định dựa trên đồng USD, chẳng hạn như USDT (Tether), đã được sử dụng để chuyển tiền ra nước ngoài và giao dịch tài sản ảo.

Mặc dù chưa được sử dụng rộng rãi cho mục đích thanh toán, công ty công nghệ tài chính RedotPay có trụ sở tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) gần đây đã ra mắt một loại thẻ cho phép thanh toán tại các đơn vị chấp nhận Visa bằng đồng tiền ổn định tính bằng USD và cũng đang cố gắng thu hút khách hàng Hàn Quốc.

Động thái xây dựng cơ sở hạ tầng tiền kỹ thuật số của BoK bằng cách phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) cấp tổ chức và tiến hành thử nghiệm mã thông báo tiền gửi cũng củng cố thêm triển vọng tiền tệ vật lý có thể biến mất.

Tuy nhiên, BoK vẫn nhấn mạnh rằng không có khả năng dừng việc phát hành tiền tệ vật lý.

Tại phiên họp tóm tắt về báo cáo thanh toán và quyết toán tháng 4/2025, Phó Thống đốc Ngân hàng BoK Lee Jong-ryeol cho biết BoK sẽ không bao giờ loại bỏ tiền tệ vật lý. Tiền kỹ thuật số có thể không hoạt động nếu mất điện hoặc mất liên lạc, trong khi tiền vật lý lại rất cần thiết ngay cả với những người không quen với công nghệ thông tin (CNTT). Phó thống đốc Lee cho biết lý do khiến người dân có thể tin tưởng và sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số là vì họ tin rằng số tiền đó có thể được chuyển đổi thành tiền tệ thực do ngân hàng trung ương phát hành bất cứ lúc nào. Việc duy trì niềm tin vào hệ thống tiền tệ là rất quan trọng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục