Ngân hàng tuần qua: Nhiều "ông lớn" báo lãi; tỷ lệ rút tiền mặt lần đầu giảm

15:32' - 09/01/2022
BNEWS Trong tuần đầu năm 2022, thông tin về lợi nhuận ngân hàng và các hoạt động giao dịch, chào bán cổ phiếu của nhiều ngân hàng đang thu hút sự chú ý.

*Giảm lãi nhiều nhất cho khách hàng, Agribank vẫn đạt lợi nhuận hơn 14.000 tỷ đồng
Mặc dù là ngân hàng giảm lãi nhiều nhất cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng năm 2021, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vẫn hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh với lợi nhuận đạt hơn 14.000 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, đến cuối năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,68 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2020. Nguồn vốn huy động đạt trên 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 7,5%. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 8,5%.

 

Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/11/2021, Agribank đã giảm tổng số tiền lãi cho khách hàng 5.176 tỷ đồng (đạt 90,8% so với cam kết); tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,41 triệu tỷ đồng cho gần 3,75 triệu khách hàng. Đây là đơn vị giảm lãi nhiều nhất để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
*Nợ xấu BIDV giảm mạnh, lợi nhuận hoàn thành kế hoạch năm
Thông tin từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng kiểm soát ở mức 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020, đảm bảo mục tiêu Ngân hàng Nhà nước giao năm 2021 là dưới 1,6%.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 0,42%, giảm 0,82% so với năm 2020. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) đạt 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây.
BIDV cho biết, năm 2021, lợi nhuận đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao (13.000 tỷ đồng); các tỷ lệ an toàn đảm bảo đúng quy định; chỉ số định hạng tín nhiệm quốc tế được nâng cao. Hoạt động của các công ty con, công ty liên doanh, liên kết ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận trước thuế của khối công ty con đạt 1.094 tỷ đồng.
Tổng tài sản khối ngân hàng thương mại đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với 2020, giữ vững vị thế ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động của BIDV đạt 1,61 triệu tỷ đồng; trong đó, huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, tuân thủ giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.
Vốn điều lệ đạt 50.585 tỷ đồng, tăng 10.365 tỷ đồng so với năm 2020, giữ vững vị trí đứng đầu trong các ngân hàng thương mại cổ phần. Vốn chủ sở hữu đạt 81.065 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2020.
*VietinBank vượt kế hoạch lợi nhuận

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG) tuần qua công bố lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt và vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao (16.800 tỷ đồng)
Tính đến hết ngày 31/12/2021, dư nợ bình quân của VietinBank tăng 12,3% so với năm 2020; tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 57%, cải thiện tích cực so với năm 2020; thu ngoài lãi tăng trên 20%; tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank được kiểm soát ở mức 1,3%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 171%, cao hơn so với năm 2020.
Năm 2022, dự kiến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế ở mức 10-20%. Đồng thời, tổng tài sản mục tiêu tăng trưởng khoảng 5-10%; tín dụng tăng trưởng 10-14%; nguồn vốn huy động tăng 10-12% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
*Giao dịch rút tiền mặt ATM lần đầu tiên giảm
Theo công bố của NAPAS, tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống này trong năm 2021 tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020.
Đặc biệt, giao dịch rút tiền mặt ATM xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 lần đầu tiên giảm 5% so với 2020, qua đó thể hiện những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số.

Năm 2021, NAPAS bảo đảm cam kết về chất lượng dịch vụ (SLA) đạt 99,99% và năng lực xử lý của hệ thống đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đột biến về số lượng giao dịch trong ngày cao điểm hệ thống NAPAS đã xử lý hơn 11 triệu giao dịch/ngày. 
*SeABank chốt quyền phát hành hơn 181 triệu cổ phiếu, huy động hơn 2.700 tỷ
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) công bố ngày 18/1/2022 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông SeABank thực hiện quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành hơn 181 triệu cổ phiếu tới đây. Thời gian chuyển nhượng quyền mua cổ phần là từ ngày 26/1 đến ngày 22/2.
Được biết, SeABank sẽ chào bán hơn 181 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 100:12,2633. Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách có 1 quyền mua, cứ 100 quyền mua được mua thêm 12,2633 cổ phiếu mới.
Giá chào bán theo công bố của SeABank là 15.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 66% so với thị giá của SSB trên thị trường chứng khoán. Số tiền ngân hàng này dự kiến huy động được là hơn 2.719 tỷ đồng.
Sau phát hành, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng từ 14.785 tỷ đồng lên 16.599 tỷ đồng.
*ABBANK sắp chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác nhận hồ sơ phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% của ngân hàng này.
Theo đó, ABBANK sẽ tiến hành triển khai thực hiện tăng vốn giai đoạn 2 là chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Nguồn sử dụng để phát hành cổ phiếu thưởng gồm 2.256 tỷ đồng được trích từ lợi nhuận chưa phân phối và 183 tỷ đồng trích từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Số cổ phần thưởng phát hành là gần 244 triệu cổ phần phổ thông, tỷ lệ 35% trên số cổ phần sau tăng vốn giai đoạn 1.

Sau khi hoàn thành tăng vốn giai đoạn 2, vốn điều lệ ABBANK dự kiến sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn đã được Đại hội đồng Cổ đông ABBANK thông qua và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tại công văn số 4963/NHNN-TTGSNH ngày 08/07/2021. Ngân hàng cũng đang tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để chuyển mã cổ phiếu ABB từ sàn UPCoM lên sàn niêm yết trong thời gian tới.
Trước đó, ABBANK đã hoàn tất đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo Chương trình ESOP (giai đoạn 1). Sau khi hoàn thành tăng vốn giai đoạn đoạn 1, vốn điều lệ của ABBANK tăng từ 5.713.113.550.000 đồng lên 6.969.998.530.000 đồng theo đúng lộ trình kế hoạch đề ra.
*NCB chào bán 150 triệu cổ phiếu
Nằm trong kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.600 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) chào bán 150 triệu cổ phiếu NVB. Giá chào bán NVB là 10.000 đồng/cổ phiếu. 
Theo đó, NCB sẽ phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua cổ phiếu. Thời gian phân phối là 90 ngày kể từ khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày 30/12.
Với 150 triệu cổ phiếu chào bán, NCB dự kiến thu về 1.500 tỷ đồng bổ sung vào vốn điều lệ./. 

>>Kỳ vọng huy động vốn tăng bình quân 2,6% trong quý I/2022

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục