Ngành bảo hiểm tìm cách củng cố lợi thế cạnh tranh

06:48' - 21/11/2016
BNEWS Thị trường bảo hiểm ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền KTXH. Đây là công cụ phòng vệ rủi ro tài chính cho nhà đầu tư và là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Nhằm hoàn thành mục tiêu Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2020 với tổng doanh thu đạt từ 3 - 4% GDP, theo các chuyên gia trong ngành tài chính cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển thị trường này.

Hỗ trợ ngân sách Nhà nước

TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính). Ảnh: mof.gov.vn

Theo TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) trong thời gian qua, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến động nhưng thị trường bảo hiểm vẫn đạt được những kết quả tương đối khả quan. 

Bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết đến ngày 31/12/2015, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 61 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó, có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường bảo hiểm đang làm tốt vai trò là “bà đỡ” cho nền kinh tế. Đến hết năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường ước đạt 84.506 tỷ đồng, đạt khoảng 2% GDP, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16,8%/năm.

Với 80% công trình lớn của nhà nước được bảo hiểm thì khi có rủi ro doanh nghiệp bảo hiểm sẽ là đầu mối giải quyết bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm.

Bảo hiểm còn đóng vai trò là kênh đầu tư trở lại đối với nền kinh tế khi doanh nghiệp bảo hiểm tham gia mua trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài từ 20-30 năm; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội thông qua chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản...

Trong thực tế, việc kịp thời khắc phục hậu quả thông qua bảo hiểm đã góp phần ổn định và thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, cũng như phát triển kinh tế mà tiêu biểu là các vụ bồi thường tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh năm 2014 là minh chứng cụ thể.

Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm dần được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa và giảm bớt thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.

Việc quản lý, giám sát nhà nước về kinh doanh bảo hiểm cũng được đẩy mạnh theo hướng kết hợp giữa quản lý, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm phát triển...

Theo báo cáo tự đánh giá của Diễn đàn các nhà quản lý bảo hiểm Đông Nam Á, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã tuân thủ hoàn toàn 13/26 các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý, giám sát bảo hiểm cũng được tăng cường và chuẩn hóa theo các chuẩn mực quản lý, giám sát do Hiệp hội Các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng TS. Nguyễn Viết Lợi  cũng chỉ ra  một số tồn tại, hạn chế của thị trường bảo hiểm là số lượng sản phẩm bảo hiểm tuy nhiều song đa số được thiết kế cố định, trọn gói, khó điều chỉnh và chia nhỏ theo nhu cầu đa dạng của bên mua bảo hiểm.

Việc khai thác bảo hiểm còn chưa đồng đều. Các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu tập trung khai thác tại các thành phố lớn và các đối tượng có thu nhập cao.

Năng lực quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp phi nhân thọ chưa cao; vẫn còn tình trạng gian lận trong kinh doanh bảo hiểm làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.

Nhiều giải pháp phát triển 

Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh cho biết, năm 2016 là năm bản lề cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển thị trường này nhằm hoàn thành chiến lược.

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, chú trọng vào sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12 và các Nghị định, Thông tư có liên quan.

Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh. Ảnh: vass.com.vn

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thuỷ sản, bảo hiểm hưu trí, chính sách bảo hiểm vi mô...trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm năng lượng nguyên tử... 

Ngành tài chính cũng tăng cường giám sát, đôn đốc doanh nghiệp bảo hiểm tự đánh giá, xếp loại theo quy định, để có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp cũng như đảm bảo duy trì an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm như phân phối bảo hiểm qua thương mại điện tử, qua điện thoại di động… 

Lãnh đạo Cục cũng cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm để có những khuyến nghị, cảnh báo kịp thời cho các doanh nghiệp bảo hiểm và sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tế.

Cùng với đó tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát, hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm, Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia phát triển về bảo hiểm nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, trong quản lý, giám sát thị trường.

Phối hợp với các đối tác, các nhà tài trợ xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hỗ trợ đào tạo dài hạn, gắn với thực hành, thực tập. 

Về phía các doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Bảo Việt cũng cho biết sẽ ưu tiên nguồn lực tạo bứt phá về hiệu quả hoạt động, củng cố lợi thế cạnh tranh và vị trí hàng đầu của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, cũng như tiếp tục khai thác cơ hội trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính khác.

Đồng thời, thông qua đa dạng hóa các phương thức huy động vốn; trong đó chính sách chia cổ tức theo hướng dành một phần nguồn lực bổ sung cho quỹ dầu tư phát triển, kiểm soát chặt chẽ hiệu quả sử dụng vốn, gia tăng giá trị doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích lâu dài cho các cổ đông./.

Theo Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2020, quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010 (năm 2010 là 55.324 tỷ đồng); tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng gấp 3,5 lần, đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng gấp 4 lần so với năm 2010… 
Trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng; trong đó tổng giá trị tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tổng giá trị được bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là 1 triệu tỷ đồng; trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, sức khỏe là 700.000 tỷ đồng.

>>> Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thị trường bảo hiểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục