Ngành cao su tự nhiên thoát khỏi thời kỳ dư thừa nguồn cung
Việc nới lỏng hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19, như mở lại biên giới của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế được cho là sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su năm 2022. Vì vậy giới phân tích cho rằng, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu sẽ thiếu hụt trong những năm tới và ngành cao su tự nhiên đã thoát khỏi thời kỳ kéo dài nguồn cung dư thừa.
*Tăng mạnh về giá trị
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp vàPhát triển nông thôn, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 4/2022 đạt 85 nghìn tấn, giá trị đạt 154 triệu USD; đưa khối lượng xuất khẩu cao su 4 tháng đầu năm 2022 đạt 492 nghìn tấn và 869 triệu USD, tăng 5,1% về khối lượng và tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Đây có thể là một khởi đầu tốt cho cao su thiên nhiên Việt Nam trong năm 2022.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, năm 2021, với vị trí thứ 3 toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bên cạnh thuận lợi về giá cao su xuất khẩu tăng mạnh, thành công của ngành cao su Việt Nam còn đến nhờ việc xâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Tại thị trường EU, ngành công nghiệp - sản xuất - tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ như: sản xuất máy bay, ô tô, xe máy, thiết bị máy móc cho ngành chế tạo, y tế, hàng tiêu dùng… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nhu cầu tiêu thụ của EU đối với cao su và các sản phẩm từ cao su là rất lớn, đặc biệt các chủng loại sản phẩm cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR10, SVR 20.
Từ đầu tháng 2 đến nay, giá cao su tại các sàn chủ chốt châu Á tăng trở lại. Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), việc nới lỏng hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 như mở lại biên giới của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
ANRPC dự báo sản lượng cao su toàn cầu sẽ tăng 5,6% so với năm 2021. Năm 2023, dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu thiếu hụt và tiếp tục sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028, thậm chí có thể kéo dài đến năm 2031, do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn.
ANRPC cho biết, dự báo này đã được thực hiện trên cơ sở đánh giá xu hướng trồng và khả năng mở rộng diện tích cây cao su trưởng thành ở các quốc gia sản xuất cao su. Ngành cao su tự nhiên đã thoát khỏi thời kỳ kéo dài nguồn cung dư thừa.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, không chỉ có thuận lợi, ngành cao su thiên nhiên cũng chịu những áp lực nhất định.
Việc thiếu hụt chip bán dẫn có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô toàn cầu, từ đây ảnh hưởng dây chuyền tới nhu cầu tiêu thụ cao su. Tình trạng thiếu hụt container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm sẽ khiến nhu cầu cao su bị tác động.
*Miếng bánh ngon không chia đều cho tất cả
Về tầm nhìn của các công ty, có thể thấy doanh nghiệp đang đưa ra những triển vọng không giống nhau. Một số công ty cao su đang đặt mục tiêu đạt kết quả cao hơn trong năm nay, nhưng một số lại đưa ra triển vọng thận trọng hơn, do lo ngại rủi ro tỷ giá từ các công ty con ở Lào hoặc Campuchia.
Chẳng hạn năm 2022, CTCP cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 744 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2021, trong khi CTCP Cao su Đắk Lắk (mã chứng khoán: DRI) đặt lợi nhuận sau thuế thấp hơn 9,5% so với năm 2021 do rủi ro lỗ tỷ giá từ công ty con tại Lào.
CTCP Cao su Tây Ninh (mã chứng khoán: TRC) cũng đặt mục tiêu lãi ròng năm 2022 giảm 41% so với năm 2021 vì công ty con tại Campuchia có thể lỗ vào năm 2022.
Nhìn chung, có thể thấy các công ty cao su có diện tích rừng trồng lớn trong nước rất lạc quan vào kết quả kinh doanh năm 2022, trong khi các công ty có công ty con ở Lào hoặc Campuchia đang đối mặt với rủi ro lỗ tỷ giá.
Theo ông Nguyễn Viết Tượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Cao su Đắk Lắk, doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu lớn từ sản xuất mủ cao su và từ Công ty TNHH Cao su ĐăkLăk (Daklaoruco) tại Lào. Do đó, trong năm 2022, đơn vị còn bị ảnh hưởng về nguồn nhân lực quản lý và lao động trực tiếp.
CTCP Cao su Đắk Lắk đang quản lý diện tích vườn cây cao su trên 8.800 ha tại Lào cùng các khoản vay chủ yếu bằng đồng Kíp Lào (cuối năm 2021, tổng nợ vay của DRI còn hơn 256 tỷ đồng) nên công ty sẽ có rủi ro về tỷ giá.
Trong trường hợp đồng tiền Kíp bị mất giá, doanh thu của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chi phí logistics sẽ lớn do giá nguyên, vật liệu tăng mạnh cũng là yếu tốt bất lợi với CTCP Cao su Đắk Lắk.
Đánh giá chung về ngành cao su Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, với việc giá dầu cơ bản đang ở mức cao, cũng như triển vọng dư cầu trên thị trường cao su tự nhiên, giá cao su có thể tiếp tục xu hướng tăng, đặc biệt khi các vùng cao su chính sẽ bước vào mùa khai thác thấp vào đầu quý III/2022.
Các doanh nghiệp sản xuất cao su Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ việc giá cao su tăng, các doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên niêm yết như CTCP Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán: DPR), Tập đoàn Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) hay CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) được biết đến với diện tích trồng lớn.
Mặt khác, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch có thể hỗ trợ nhu cầu về săm lốp, mặc dù chi phí đầu vào cho nguyên liệu cao su có thể cao hơn năm 2021, ACBS kỳ vọng các doanh nghiệp sản xuất săm lốp Việt Nam như Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán: DRC) hoặc Casumina (mã chứng khoán: CSM) có kết quả hoạt động không thấp hơn năm 2021.
Thực tế, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 của các một số doanh nghiệp cao su rất khả quan, nhưng cũng có doanh nghiệp chịu thua lỗ.
Ở chiều lãi lớn, CTCP Cao su Tân Biên (mã chứng khoán: RTB) cho biết sản lượng tiêu thụ quý đầu năm 2022 đạt 5.971 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần đạt 235 tỷ đồng, tăng 33%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp đạt 84 tỷ đồng, tăng 64%. Biên lãi gộp cải thiện từ 29% lên 35,7%.
Cùng với đó, công ty thực hiện thanh lý cây cao su giúp lợi nhuận khác tăng mạnh từ 11,5 tỷ đồng lên 39,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 62,6 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.
CTCP Đầu tư cao su Đắk Lắk có doanh thu quý I đạt 134 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 21 tỷ đồng, lần lượt tăng tăng 7,6% và tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021. Lý do doanh thu và lợi nhuận tăng được công ty lý giải là do giá bán thành phẩm tăng mạnh so với cùng kỳ 2021.
Quý I/2022, mảng sản xuất và kinh doanh mủ cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) có doanh thu đạt 2.995 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng từ 660 tỷ đồng lên 1.142 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 24,3% lên 38,1%.
Tuy nhiên, mảng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cao su giảm mạnh khiến tổng doanh thu thuần đi ngang ở mức 4.893 tỷ đồng. Nhưng nhờ nhận bồi thường gần 300 tỷ đồng, tập đoàn báo lãi quý I đạt 1.055 tỷ đồng, tăng 29%.
CTCP Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán: DPR) công bố kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2022 với sản lượng mủ cao su tiêu thụ đạt 2.163,79 tấn, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái; giá bán bình quân đạt 42,23 triệu đồng/tấn (thấp hơn 9% mức giá quý I/2021).
Kết quả doanh thu bán hàng đạt 203,8 tỷ đồng, tăng 1,14% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận gộp giảm 16,7%, đạt 55,6 tỷ đồng.
Tương tự, sản lượng tiêu thụ của CTCP Cao su Bà Rịa (mã chứng khoán: BRR) quý I đạt 1.596 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá bán bình quân giảm 2,5% về mức 41,89 triệu đồng/tấn.
Doanh thu công ty dù tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 70 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 37% xuống 11 tỷ đồng do chi phí tăng cao và hụt thu từ hoạt động tài chính cùng hoạt động khác.
CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) cũng báo cáo doanh thu quý I tăng 31%, nhưng giá vốn tăng cao hơn 41% khiến lợi nhuận gộp giảm từ 62 tỷ đồng về 57 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 22% về 15,6%.
Tuy nhiên, khoản thu nhập khác tăng đột biến từ 2,3 tỷ đồng lên 283 tỷ đồng, chủ yếu từ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án khu công nghiệp VSIP3. Nhờ đó, lợi nhuận ròng của Cao su Phước Hòa đạt 295 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước.
Dù có nhiều triển vọng tăng trưởng, nhưng cổ phiếu ngành cao su vẫn giảm mạnh cùng với đà đi xuống của thị trường chung. Cụ thể, PHR giảm gần 56% so với chốt phiên giao dịch đầu năm (4/10); GVR giảm 43,3%, DRI giảm 39,5%, BRR giảm hơn 23,3%, DPR giảm 6,4%... ./.
Tin liên quan
-
DN cần biết
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 cho Hàn Quốc
10:26' - 24/03/2022
2 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường này đạt 8,22 nghìn tấn, trị giá 15,31 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
-
Chuyển động DN
CMSC kiến nghị tỉnh Đồng Nai về chính sách đền bù khi thu hồi đất trồng cao su
12:51' - 17/02/2022
CMSC kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành của Đồng Nai quan tâm về cơ chế, chính sách đền bù khi thu hồi đất trồng cao su của Tổng công ty để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
-
DN cần biết
Thái Lan sẽ xuất khẩu 4,9 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm 2022
09:19' - 16/02/2022
Tổng cục Cao su Thái Lan (RAOT) cho biết quốc gia Đông Nam Á này dự kiến sẽ sản xuất được 4,9 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay, tăng 1,82% so với một năm 2021.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.