Ngành công thương gỡ vướng về thủ tục hành chính

11:27' - 21/10/2015
BNEWS Cải cách hành chính là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/Bnews.

Bộ Công Thương vừa phối hợp Dự án Hỗ trợ Thương mại và Đầu tư của châu Âu (Mutrap) tổ chức Hội nghị "Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về qui định thủ tục hành chính ngành công thương”. Hội nghị nhằm nhận diện những vướng mắc hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân... tiếp tục đề ra giải pháp cho công tác cải cách hành chính của ngành công thương giai đoạn 2016-2020.

Nhìn nhận về hiệu quả của quá trình cải cách thủ tục hành chính của ngành, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương đánh giá, công tác cải cách hành chính là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp, người dân. 

Chia sẻ về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương cho biết, những năm gần đây, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương đều được hoàn thành 100% theo kế hoạch, góp phần điều chỉnh kịp thời những vấn đề của cuộc sống, kinh tế-xã hội.

Việc xây dựng đã tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan một cách dân chủ, khách quan.

Bên cạnh đó việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những văn bản liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước, chính sách thương mại trong WTO; lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại biên mậu, sở giao dịch hàng hóa và các lĩnh vực khác; rà soát các quy định, chính sách liên quan đến cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...đã được thực hiện tốt.

Đi kèm theo đó là trang thông tin điện tử về kiểm soát thủ tục hành chính tại địa chỉ: kstthc.moit.gov.vn cũng như số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý vấn đề này luôn được online. Không những thế, 100% các thủ tục hành chính luôn được cập nhật, công bố công khai đầy đủ trên trang thông tin cải cách hành chính của Bộ.

Tuy nhiên, ông Phạm Đình Thưởng cho hay, do kinh phí còn hạn hẹp là rào cản lớn trong quá trình đầu tư nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng mạng, hạ tầng công nghệ thông tin; định mức ngân sách chi cho biên chế hành chính quá thấp, trong khi các khoản chi phí như điện, xăng dầu, vật tư thiết bị... và các chi phí thường xuyên khác đều tăng; chế độ tiền lương của cán bộ, công chức hành chính còn thấp khiến cho việc thu hút, tuyển dụng cán bộ, công chức trẻ có trình độ và năng lực gặp khó khăn...

Còn ông Lê Hồng Lam, thành viên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ ra việc cấp giấy phép đăng ký cho doanh ngiệp trong văn bản vẫn còn nhiều bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc sản xuất kinh doanh. Cụ thể, doanh nghiệp xin cấp phép chế biến thuốc lá thì nhiều Sở Công Thương tại các địa phương cứng nhắc yêu cầu phải có thêm chữ “cắt lá thuốc lá” vào giấy phép thì mới cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp chế biến.

Cùng chung quan điểm này, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, đến nay vẫn chưa có sự kết nối bền chặt giữa Nhà nước với doanh nghiệp dẫn đến vướng mắc tại Thông tư 58/2014/TT-BCT (quy định về cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm). 

Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận cho các đơn vị sản xuất thực phẩm tại Thông tư 13/2014/TT-BCT (quy định về hoạt động công vụ của quản lý thị trường về kiểm tra kiểm soát hàng hóa về an toàn thực phẩm) quy định chức năng 3 Bộ liên quan gồm Bộ Công Thương, Y tế và Nông nghiệp cũng có nhiều bất cập cũng gây vướng cho các đơn vị.

Chẳng hạn, khi đưa hàng vào siêu thị, Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh, Bộ Nông nghiệp chứng nhận hàng sạch. Đối với sản phẩm chăn nuôi việc đóng dấu và dán tem lại thu phí thêm 500 đồng với từng sản phẩm khiến giá thành lại đội thêm. 

Nhiều siêu thị muốn bán hàng sớm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng thì phải xếp hàng đợi dấu mới được bày bán gây bất cập và ảnh hưởng đến doanh thu. Do vậy, theo bà Lan cần xem xét và điều chỉnh lại hai thông tư này nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế./.

Uyên Hương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục