Ngành công thương khu vực phía Bắc hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh

14:21' - 23/09/2022
BNEWS Ngành công thương 28 tỉnh, thành phố phía Bắc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, phát triển sản xuất... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và phát triển.

Tại Hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII năm 2022 do Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức sáng 23/9, tại Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An yêu cầu ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực sản xuất, năng lực kinh doanh.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa. Từ đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển.

Để hoàn thành kế hoạch đã đề ra trong năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, ngành công thương đặt ra mục tiêu: chỉ số sản xuất công nghiệp tại đa số các địa phương đạt trên 10%, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có quy mô ngành công nghiệp lớn như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh….

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 555,9 nghìn tỷ đồng để cả năm 2022 đạt 2.168,8 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 56,8 tỷ USD để cả năm đạt 217,6 tỷ USD…

Ngành công thương sẽ triển khai Chương trình bình ổn thị trường nhằm ổn định cung - cầu, giá cả trên từng địa bàn, chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn.

Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.

Tại hội nghị, các đại biểu đến từ 28 tỉnh, thành phố đã trình bày các ý kiến tham luận, thảo luận, đề xuất những quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách; những giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, địa phương, cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện.

Các đại biểu đều khẳng định bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển.

Để giải quyết phần nào các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay, Bộ Công Thương sẽ đồng hành và gỡ khó tối đa cho các địa phương thông qua các chương trình, hoạt động của ngành như: chương trình khuyến công, khoa học và công nghệ, phát triển thương mại điện tử quốc gia, phát triển công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại quốc gia, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Tuy nhiên, các địa phương cũng rất cần tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh, tận dụng tốt các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công thương) cho biết: trong năm 2021, 9 tháng năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của khu vực phía Bắc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của khu vực cũng như cả nước.

Riêng 9 tháng năm 2022, có 21 tỉnh, thành phố có mức tăng trên 11%, cao hơn mức tăng của cả nước. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.

Tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực phía Bắc 9 tháng ước đạt 160,87 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ.

Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn khu vực là: Bắc Ninh đạt 34,06 tỷ USD (chiếm 21,2%); Thái Nguyên đạt 24 tỷ USD (chiếm 14,9%); Hải Phòng đạt 20,31 tỷ USD (chiếm 12,6%); Bắc Giang đạt 15,73 tỷ USD (chiếm 9,8%); Hà Nội đạt 12,65 tỷ USD (chiếm 7,9%)...

Dự báo những tháng còn lại của năm 2022 tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng cao, các hiệp định thương mại tự do tiếp tục phát huy các lợi thế đối với hàng hóa xuất khẩu có nguồn gốc trong vùng.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đang nỗ lực hoàn thành các dự án đầu tư, các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2022 và giai đoạn 2021-2025… Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi tạo cơ sở cho việc hoàn thành nhiệm vụ ngành công thương khu vực phía Bắc trong năm 2022 và những năm tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục