Ngành da giày thay đổi chiến lược để thích ứng

16:45' - 26/03/2018
BNEWS Ngành da giày được dự báo có sức bật tốt trong năm 2018 nhờ tác động từ các hiệp định thương mại tự do với các thị trường xuất khẩu lớn
Ngành da giày Việt Nam thay đổi chiến lược để thích ứng. Ảnh: TTXVN

Ngành da giày được dự báo có lợi nhờ các hiệp định như Hiệp định thương mại tư do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, các chuyên gia trong ngành cho rằng, một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp da giày hiện nay là bài toán đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất lao động.

Trước tình hình chi phí nhân công tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận, các doanh nghiệp da giày Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất về các vùng nông thôn để tiết giảm chi phí, chủ động sản xuất.
Gánh nặng tăng lương
Nhiều năm qua, da giày luôn nằm trong top 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành da giày chủ yếu làm gia công xuất khẩu, chi phí lao động chiếm trên 70%.

Điều này khiến doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn và phải tìm giải pháp ứng phó như giảm tiền lương mềm, sử dụng máy móc thay thế người lao động…
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong 5 năm trở lại đây, lương tối thiểu vùng đã tăng 90%. Ngành da giày có khoảng 1.700 doanh nghiệp, trong đó 70% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng 1,2 triệu lao động sản xuất trực tiếp. Nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng hàng năm, các doanh nghiệp da giày quy mô lớn bị giảm lợi nhuận sẽ giảm đầu tư mở rộng sản xuất, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất làng nghề gặp rất nhiều khó khăn sẽ phải hạn chế hoặc ngừng sản xuất.
Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương) cho biết, giá gia công không tăng trong khi năng suất lao động không thay đổi đang là gánh nặng của các doanh nghiệp chủ yếu làm gia công. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp chuyên sản xuất giày vải thì mức độ thủ công lên đến 80%, việc tăng lương cho người lao động thật sự là gánh nặng của doạnh nghiệp, bởi không chỉ đơn thuần là tiền lương tăng mà các khoản phí công đoàn, phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cũng tăng theo.
Theo ông Vũ Xuân Tạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần 32 (TP.HCM), ngành giày của Việt Nam chủ yếu là lao động thủ công, năng suất và hiệu quả không cao, vấn đề tăng lương hàng năm là chính sách của nhà nước để chăm lo cho người lao động, nhưng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp như kéo giãn thời gian, có lộ trình tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, đủ sức cạnh tranh để phát triển. Bởi chi phí tiền lương có thể phân ra vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4 nhưng mặt bằng chung của thị trường thì không thể phân vùng này bán 1 triệu đồng/đôi giày, vùng khác bán 500.000 - 600.000 đồng/đôi giày được…
Ngoài tiền lương, nhiều doanh nghiệp cũng than phiền rằng, việc quản lý người lao động cũng khó hơn so với trước kia. Để giữ chân lao động, doanh nghiệp có nhiều chế độ và phúc lợi như trợ cấp học nghề, làm thêm giờ, giờ ăn giữa ca, phụ cấp con nhỏ, khám sức khỏe, hoạt động thể thao, du lịch…

Nếu chi phí tiền lương tăng cao trong khi quỹ lương hầu như không thay đổi, nhiều doanh nghiệp không có khả năng chi trả phần lương tăng thêm sẽ buộc phải giảm các khoản chế độ và phúc lợi cho người lao động. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị không nên tăng lương tối thiểu hàng năm mà xem xét thực hiện tăng lương tối thiểu vùng 2-3 năm/lần để doanh nghiệp hoạt động ổn định, tránh những xáo trộn về lao động.
Song, theo các chuyên gia, vấn đề tăng lương không phải là gốc rễ khó khăn của doanh nghiệp mà do ngành sản xuất da giày chủ yếu là gia công xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài nên giá trị gia tăng đem lại quá thấp. Đã đến lúc các doanh nghiệp trong nước cần thay đổi hướng đi, làm chủ thị trường và công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dịch chuyển sản xuất
Hiện vùng tập trung nhiều nhà máy sản xuất da giày nhất hiện nay là ở các tỉnh phía Nam, chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành; trong đó, Đông Nam bộ hiện là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn và có sản lượng giày dép, túi xách lớn nhất cả nước.
Trước những khó khăn này, đại diện Lefaso cho rằng, để cạnh tranh tốt hơn, các doanh nghiệp trong ngành cần sớm khắc phục nhược điểm chi phí nhân công bằng việc dịch chuyển nhà máy về các vùng có nguồn nhân lực dồi dào để hạ chi phí sản xuất. Song song với tiếp tục mở rộng đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành để nâng cao giá trị gia tăng và chủ động sản xuất cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nên hạn chế sản xuất sản phẩm cấp thấp, tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị trung bình và cao, nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh ở phân khúc này so với các đối thủ.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, các thương hiệu da giày lớn trên thế giới cũng đang có xu hướng dịch chuyển phát triển sản xuất sang các nước có chi phí nhân công rẻ và lợi thế về các hiệp định thương mại tự do.

Cùng với đó, các nhà sản xuất da giày lớn cũng có xu hướng tự sản xuất tại các nước sở tại để tiết kiệm được thời gian vận chuyển và dễ kiểm soát. Yêu cầu về thời gian giao hàng cũng ngày càng ngắn hơn.

Nếu như trước đây các nhà nhập khẩu thường yêu cầu thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc giao hàng khoảng 90 ngày thì nay rút ngắn còn 60 ngày. Với những tác động từ xu hướng này, ngành da giày Việt Nam cũng đang có những thay đổi để thích ứng.
Cụ thể là trước tình hình chi phí nhân công tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp da giày cũng có hướng dịch chuyển sản xuất từ các tỉnh Đông Nam bộ sang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có hệ số tăng lương tối thiểu thấp hơn khu vực Đông Nam bộ, khoảng cách gần về địa lý và hệ thống giao thông thuận tiện sẽ giúp tiết giảm tối đa chi phí nhân công cho doanh nghiệp.
Nắm bắt xu hướng này và mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất giày Thái Bình (Thái Bình shoes) đã chuyển tổ hợp sản xuất về 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang từ 2-3 năm nay, thu hút hơn 9.000 lao động tại đây.

Còn tại trụ sở chính ở Bình Dương, chỉ 40-50 lao động tham gia vào việc thiết kế, nghiên cứu sản phẩm. Đại diện Thái Bình Shoes cho biết, nếu năm 2015-2016 không nghĩ ra hướng đi này thì hiện tại chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị "cháy" đơn hàng do sản xuất không kịp, hay trong trường hợp công nhân không tăng ca.
Hướng đi của Thái Bình Shoes cũng là hướng đi mà rất nhiều doanh nghiệp trong ngành đang quan tâm. Theo thống kê của Lefaso, nếu như năm 2010 các doanh nghiệp da giày tập trung 70% tại vùng Đông Nam bộ thì đến nay đã giảm xuống dưới 70%.

Bên cạnh sự dịch chuyển về sản xuất thì ngành da giày trong nước cũng ghi nhận sự gia tăng của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Hiện tại, việc sản xuất nguyên vật liệu cho ngành da giày đã tăng hơn trước rất nhiều, nguyên liệu cho ngành giày dép 15%, cho ngành túi xách tăng từ 8 -10%... Đây là một trong những hướng đi mang tính chủ động, bền vững và chiến lược dài hạn mà các doanh nghiệp nên hướng đến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục