Ngành du lịch có nhiều giải pháp thích ứng với COVID-19

12:22' - 15/10/2021
BNEWS Sáng ngày 15/10, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi Tọa đàm theo chủ đề: “Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19”.

Sáng ngày 15/10, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi Tọa đàm theo chủ đề: “Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19”, nhằm làm rõ "bức tranh" của ngành du lịch sau gần 2 năm hứng chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có trong lịch sử, gây ra bởi COVID-19.

Phát biểu khai mạc ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh, sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất, triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. 

Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Trước đó, kế hoạch thí điểm thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc đã được Bộ Chính trị đồng ý tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chủ trương nghiên cứu thí điểm sử dụng "hộ chiếu vaccine" với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang).

" Đây là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế"- ông Lê Quốc Minh nói.

Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 tác động sâu sác tới nền kinh tế - xã hội không chỉ ở trong nước mà ở toàn cầu. Từ năm 2020 và 9 tháng 2021 du lịch bị tổn thất nặng nề. Có người nói rằng du lịch đã "chạm đáy", có người nói rằng du lịch đã bắt đầu về lại con số 0, có người nói du lịch thật ảm đạm và khó để phục hồi.

Có thể nói, dựa trên cơ sở khảo sát, các con số qua điều nghiên cứu để thấy ngành du lịch của chúng ta đã khó khăn lại càng khó khăn. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm 80%, trước đó nhờ lượng khách quốc tế này đưa vị thế du lịch Việt Nam lên Top đầu của châu Á. Năm 2021, chúng ta giảm đến 90% khách du lịch quốc tế (10% là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao).

Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách nhưng sang năm 2021, ngành du lịch hầu như đóng băng. Quý I, các địa phương có được một số lượng khách nhất định nhưng không bảo đảm thường xuyên.

Do vậy, các địa phương cần phải tính toán đến vấn đề  du lịch là cơ sở lưu trú. Thường cơ sở lưu trú quyết định đóng góp cho toàn ngành, theo thống kê đóng góp 46-50% cho hoạt động du lịch thì 90% các cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối thiểu.

Hơn nữa, việc làm trong ngành bị đứt gãy do không có khách nên buộc phải cắt giảm lao động, buộc phải giãn cách dẫn tới người lao động không có việc làm. Các doanh nghiệp phải rút giấy phép, xin ngừng hoạt động liên tục tăng. Hiện chỉ còn lại một phần rất ít doanh nghiệp còn trụ vững, giữ thương hiệu để chờ thời điểm phục hồi.

Trước thực trạng như này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.

Bộ đã đề xuất và Chính phủ giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú được áp dụng thời gian khá dài; hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, trợ cấp khó khăn cho họ khi phải chịu tác động du lịch được ban hành và thụ hưởng; đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168/NĐ-CP giảm 80% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ cũng đồng kiến nghị xem xét để có gói tín dụng dành cho doanh nghiệp nói chung; trong đó, có doanh nghiệp du lịch.

Bên cạnh đó tập, Bộ cũng tập trung giải quyết vấn đề khó mà doanh nghiệp đang gặp phải là chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề. Lực lượng lao động này đã bắt đầu bỏ nghề và chuyển sang lao động khác.

Khi thị trưởng mở cửa lại, ngành du lịch hoạt động, tất nhiên có bộ phận trở lại, nhưng có bộ phận khác người ta chuyển hướng làm việc khác. Sự thiếu hụt này sẽ được bù đắp như thế nào. Bộ đang đề xuất Chính phủ cùng Bộ Lao động Thương bình và Xã hội  có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm lại để không bị đứt gãy lao động trong doanh nghiệp du lịch.

Tại buổi tọa đàm các đại biểu cũng đưa ra xu hướng đi du lịch của du khách trong thời gian tới, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình.

Về vấn đề này, Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố làm mới lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần 1 tỉnh phải có 1 sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn sản phẩm du lịch. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam./.

>>>Vietravel chuẩn bị tái khởi động sản phẩm du lịch Hà Giang

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục