Ngành đường sắt ban hành loạt giải pháp phòng chống buôn lậu dịp cuối năm

18:45' - 05/12/2021
BNEWS Ngành đường sắt vừa ban hành nhiều văn bản siết chặt các giải pháp phòng chống buôn lậu trên địa bàn đường sắt, nhất là trên tàu hỏa vào dịp cuối năm.

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) cho biết, ngành đường sắt vừa ban hành nhiều văn bản siết chặt các giải pháp phòng chống buôn lậu trên địa bàn đường sắt, nhất là trên tàu hỏa vào dịp cuối năm.

Theo đó, năm 2021, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng giả trên đường sắt địa bàn thuộc Haraco quản lý đã giảm hẳn so với những năm trước đây. Tuy nhiên, tại các trọng điểm phức tạp trong đấu tranh chống buôn lậu như: ga Hà Nội, Giáp Bát; tuyến Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh vẫn còn hiện tượng các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng phương tiện, địa bàn đường sắt để hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng nhái, hàng giả.

Vì vậy, doanh nghiệp này đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến việc này như tổ chức, phối hợp trong đấu tranh chống vận chuyển hàng lậu trên các tuyến đường sắt;

Các quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường; các thủ tục nhận vận chuyển hành lý, hàng hóa; Các quy định kiểm tra việc vận chuyển lâm sản trên đường sắt quốc gia; quy trình tác nghiệp lô hàng đi, hàng đến của đơn vị...

Đặc biệt, trong các dịp cao điểm, Haraco yêu cầu các đơn vị phân công cán bộ có trách nhiệm thường trực chỉ đạo các địa bàn trọng điểm do đơn vị quản lý. Kiên quyết từ chối nhận vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

“Các đơn vị bố trí lực lượng bảo vệ trên tàu đủ về số lượng đi khép kín trên các đoàn tàu khách do đơn vị quản lý. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa. Chú ý các mặt hàng pháo nổ, hàng điện tử, thuốc lá, rượu, bia, động vật quý hiếm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và các mặt hàng cấm chuyên chở”, đại diện Haraco cho hay.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng đã ban hành kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn đường sắt những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, các bộ phận liên quan đến vận chuyển hàng hóa, hành lý, hành lý ký gửi được VNR yêu cầu thực hiện đúng quy trình, quy định của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải và của VNR, kiên quyết từ chối vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.

Cùng với đó, VNR yêu cầu các đơn vị trong ngành đường sắt tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời, xử lý kiên quyết các hành vi lợi dụng phương tiện đường sắt để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu trên các tuyến, đoàn tàu trọng điểm, như: Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng; Các ga Hà Nội, Giáp Bát, Lào Cai, Đồng Đăng, Vinh, Đông Hà, Đà Nẵng, Sóng Thần và Sài Gòn.

Đặc biệt lưu ý các mặt hàng: pháo nổ, hàng điện tử, xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia, động vật quý hiếm, khoáng sản, đường cát, thực phẩm tươi sống, vị thuốc cổ truyền giả, thuốc tân dược và các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu xử lý kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân thuộc ngành đường sắt có hành vi vận chuyển hoặc tiếp tay cho các hoạt động vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục