Ngành đường sắt cố gắng thay đổi hình ảnh

09:43' - 20/10/2015
BNEWS Để tăng sức cạnh tranh của vận tải đường sắt, ngành đường sắt đã đưa vào khai thác nhiều đoàn tàu khách nhanh, chất lượng cao các tuyến Hà Nội-Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hà Nội–Lào Cai, Sài Gòn-Vinh…
Đường sắt Việt Nam liên tục đổi mới để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Ảnh: TTXVN

Để tăng sức cạnh tranh của vận tải đường sắt với các loại hình vận tải khác, ngành đường sắt đã triển khai hàng loạt các công trình, dự án nâng cao chất lượng, đổi mới hình ảnh của ngành.

Bác Nguyễn Đức Tới (Thái Nguyên), một hành khách đi tàu Thống Nhất chia sẻ, lâu lắm rồi bác không đi tàu nhưng được con gái động viên cả nhà đi du lịch bằng tàu hỏa nên bác đã nhận lời dù cũng hơi lo ngại về chất lượng dịch vụ của ngành này.

Bác Nguyễn Đức Tới cho biết, cứ nghĩ lại cảnh 7-8 năm trước, khi đi tàu hỏa từ Hà Nội vào Tp. Hồ Chí Minh là không muốn lựa chọn phương tiện này. Bởi, tàu đông đúc, chật chội, nhiều hành khách phải ngồi chen chúc bằng ghế nhựa. Vệ sinh trên tàu cũng không đảm bảo.

Mỗi bữa ăn, nhân viên trên tàu phát cho hành khách một suất cơm cùng với 1-2 món ăn nguội lạnh, chế biến đơn giản. Mặc dù rất đói nhưng nhìn vào những suất ăn đó hành khách cũng không muốn ăn.

Khác với suy nghĩ của bác Tới, lần này trên chuyến tàu vào Nha Trang, ngành đường sắt đã thực sự thay đổi cung cách phục vụ, khiến bác cảm thấy khá hài lòng.

Những suất ăn trên các toa tàu được nấu nóng sốt; giường nằm, ghế ngồi cũng tạo cảm giác thoải mái hơn, nhân viên niềm nở, lễ phép, khâu giữ gìn vệ sinh cũng được quan tâm hơn nhiều.

Chị Nguyễn Thị Hiền (Nam Định) là người thường xuyên đi tàu Thống Nhất vào miền Trung cho hay, trước đây mỗi khi đi tàu, chị phải ra tận ga để chờ mua vé, rất mất thời gian, lại phải chờ đợi lâu.

Nâng cao chất lượng dịch vụ tại ga Hà Nội. Ảnh: Quang Toàn/Bnews

Nhưng nay, ngành đường sắt triển khai bán vé điện tử qua mạng Internet và qua ứng dụng điện thoại nên chỉ cần ngồi nhà, mở điện thoại ra là chị có thể mua được vé.

Ngoài ra, trước đây khi đi tàu, chị phải chuẩn bị sẵn đồ ăn từ nhà để mang theo vì thức ăn trên tàu không hợp khẩu vị nhưng nay, trên tàu luôn có đồ ăn nóng, hợp khẩu vị, giá thành cũng không quá cao.

Tại ga Đà Nẵng, trao đổi về công tác đổi mới dịch vụ của ngành đường sắt, ông Phạm Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội Khách vận (Chi nhánh Vận tải đường sắt Đà Nẵng) cho biết, từ khi ngành đường sắt thực hiện tái cơ cấu, ga Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là các dịch vụ đã được chuyên môn hóa.

Bên trong một toa tàu được trang bị tiện nghi. Ảnh: Quang Toàn/Bnews

Việc hoàn thành hệ thống bán vé tàu điện tử cũng thể hiện quyết tâm lớn của ngành đường sắt trong việc cải thiện dịch vụ đối với khách hàng, điều này góp phần tạo ra sự thuận tiện hơn cho người dân.

“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương người dân vẫn chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, do đó không thể mua vé qua mạng Internet một cách độc lập được mà phải nhờ nhân viên tại ga hỗ trợ. Quan sát tại ga Đà Nẵng, vẫn còn nhiều người dân vẫn mua vé theo hình thức mua trực tiếp để đi ngay” – ông Phạm Ngọc Thanh chia sẻ.

Tại ga Huế - một trong những ga trọng điểm của ngành đường sắt phục vụ du lịch, ông Nguyễn Thanh Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh đường sắt Huế cho rằng, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng đường sắt còn lạc hậu, yếu kém, việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên các đoàn tàu được ngành đường sắt xác định có vai trò quyết định.

Việc triển khai bán vé điện tử - hóa đơn điện tử tại các ga là hình thức mới nên nhiều người dân chưa biết và vẫn có thói quen đến ga mua vé cho chắc vì vậy cần tuyên truyền rộng hơn.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Tá Tùng chia sẻ, hiện Tổng công ty đang rất tích cực đổi mới, thay đổi diện mạo từ các nhà ga cho đến hình ảnh con tàu đẹp hơn. Chỉ có đổi mới, đổi mới một cách quyết liệt, toàn diện, từ tư duy đến hành động, từ những việc làm nhỏ nhất thì ngành đường sắt mới có thể tồn tại và phát triển./.

Quang Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục