Ngành đường sắt hỗ trợ người lao động bị cách ly do dịch COVID-19

20:50' - 16/08/2021
BNEWS Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa cho biết, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, ngành đường sắt có 12 lao động là F0, 51 trường hợp F1 và 154 trường hợp F2 liên quan đến dịch.

Các trường hợp người lao động trên đã bị ảnh hưởng nhiều đến việc làm, khó khăn về đời sống. Vì vậy, Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị rà soát, lập danh sách để hỗ trợ người lao động là F0, F1 và bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nói chung.

Theo đó, Đường sắt Việt Nam thực hiện hỗ trợ 3.000.000 đồng/người đối với người lao động là F0 đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch.

Mức hỗ trợ 2.500.000 đồng/người áp dụng với người lao động là F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch.

Cùng với đó, Đường sắt Việt Nam hỗ trợ 1.500.000 đồng/người đối với các trường hợp các trường hợp là đoàn viên, người lao động là F1 phải cách ly y tế, đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch; đoàn viên là cán bộ, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn, phải cách ly y tế, đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch.

Với các trường hợp là đoàn viên, người lao động là F1 phải cách ly y tế; đoàn viên là cán bộ, viên chức là F1, có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế nhận mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người.

Mức hỗ trợ 500.000 đồng/người được áp dụng đối với đoàn viên, người lao động phải nghỉ việc để cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn hoặc đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa (từ 7 ngày trở lên), có hoàn cảnh khó khăn hoặc đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi.

Đại diện Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho hay, mức hỗ trợ này cũng được áp dụng với đoàn viên, người lao động phải áp dụng biện pháp cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo đề nghị của người sử dụng lao động tham gia cách ly tập trung tại đơn vị đang trong khu vực bị phong tỏa (từ 7 ngày trở lên) để đảm bảo sản xuất kinh doanh; đoàn viên, người lao động đơn vị không bố trí công việc (từ 7 ngày trở lên) do tiếp xúc với các đối tượng nguy cơ lây nhiễm trong khi đang thực hiện nhiệm vụ trên tàu, dưới ga, làm việc dọc tuyến đường sắt.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục