Ngành giao thông tháo gỡ vướng mắc để vận tải hàng hóa thông suốt

07:37' - 22/07/2021
BNEWS Chiều tối 21/7, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến về vận tải hàng hóa giữa Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải 63 tỉnh, thành phố.

Tại buổi giao ban, nhiều vấn đề vướng mắc như xét nghiệm COVID-19 cho lái xe hay quy trình đăng ký, cấp giấy thông hành đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chỉ đạo tháo gỡ.

* Áp lực giao thông không lớn

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông Vận tải khu vực phía Nam thông tin, từ chiều 19/7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông Vận tải đã có mặt tại Tp. Hồ Chí Minh và bắt tay ngay vào kiểm tra các chốt trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tp. Hồ Chí Minh.

Trong ngày 20 và 21/7, Tổ công tác đặc biệt liên tục di chuyển trên các tuyến “luồng xanh”, kiểm tra các chốt trên các tuyến quốc lộ và các điểm ra vào cửa ngõ.

Đặc biệt, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tham gia các hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá, qua nhìn nhận, nắm bắt tình hình thực tế cho thấy, áp lực giao thông là không lớn.

Việc các Sở Giao thông Vận tải đã triển khai cấp QR Code qua phần mềm và các chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện đã nắm rõ quy trình đăng ký, cấp giấy thông hành nên việc kiểm soát “luồng xanh” hiệu quả.

“Tuy nhiên, cán bộ, lực lượng tại các chốt cũng cho biết, do các quy định thường xuyên có sự điều chỉnh theo tình hình thực tế nên nhiều hướng dẫn chưa thực sự rõ ràng.

Hoặc, chưa triển khai xuống tận chốt kịp thời dẫn đến cách hiểu còn khác nhau.

Từ đó, việc tổ chức thực hiện cũng chưa thực sự thống nhất giữa các chốt. Tổ công tác phải trực tiếp giải thích, hướng dẫn cho anh em…”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông Vận tải cũng liên hệ trưc tiếp với lãnh đạo địa phương, Giám đốc các Sở Giao thông Vận tải để trao đổi, thống nhất các nguyên tắc tổ chức vận tải hàng hóa gắn với thực hiện nghiêm phòng, chống dịch.

Đặc biệt, theo gợi ý của Thứ trưởng Thọ, đến hôm nay (21/7), Tp. Hồ Chí Minh đã đưa thêm phương án tận dụng và cấp phép cho các xe taxi để tăng cường thêm năng lực cung ứng hàng hóa thiết yếu đến tất cả các địa bàn nội thị thành phố.

* Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, ngoài “luồng xanh” quốc gia đã công bố, tất cả các Sở Giao thông Vận tải đã triển khai “luồng xanh” trên địa bàn nội tỉnh, kết nối với luồng xanh quốc gia cho xe ô tô vận tải hàng hoá trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19.

Về việc tạm dừng thu phí tại các trạm BOT, từ 0h00 ngày 20/7/2021, 10 Trạm BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đã tạm dừng và cho đến 12h ngày 20/7, 10 trạm BOT do các địa phương quản lý cũng đã tạm dừng thu phí .

Các Trạm thu phí BOT không nằm trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg gồm 5 trạm tại: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng thực hiện miễn thu phí các phương tiện vận chuyển thuốc men, thiết bị, máy móc, vật tư, hàng hóa qua trạm theo quy định.

Theo phản ánh của các địa phương và doanh nghiệp, hiện nay, giấy xét nghiệm COVID-19 có hiệu lực trong vòng 72 giờ đã khiến các doanh nghiệp và lái xe bị động, tốn kém thêm về chi phí.

Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lái xe là đối tượng đặc biệt không phải cách ly y tế bắt buộc sau khi trở về từ vùng dịch.

Điều này cũng dẫn đến nhiều địa phương chưa áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg yêu cầu lái xe trở về từ vùng dịch phải cách ly y tế mặc dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Nhiều địa phương chỉ công nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR…

Tuy đã được quan tâm nhiều hơn, nhưng hiện nay, lao động trong lĩnh vực vận tải vẫn chưa phải là đối tượng thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu để được tiêm vaccine. Do đó, các địa phương kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm vấn đề này.

Một số địa phương cũng cho hay, cách hiểu văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021 của Bộ Y tế về xét nghiệm và tạo điều kiện cho người vận chuyển hàng hoá cũng chưa thực sự thống nhất.

Chẳng hạn như, việc kiểm tra các phương tiện di chuyển giữa các tỉnh liền kề cùng áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg hay đối tượng được miễn phí xét nghiệm...

Chia sẻ với sự khó khăn của các địa phương đang căng mình chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị của Bộ khi ban hành các hướng dẫn phải cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất cao khi triển khai thực hiện.

 Các Sở Giao thông Vận tải cũng cũng cần nâng cao tính chủ động trao đổi, hỏi ngay khi chưa hiểu, chưa rõ.

Đồng thời, các tỉnh, thành phố cũng phải tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thống nhất việc áp dụng các quy định trong cùng một điều kiện giãn cách xã hội với tinh thần là phải khẩn trương và tuyệt đối không để gián đoạn lưu thông hàng hóa.

Để làm rõ hơn các quy định về y tế, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ngay sáng ngày 22/7 phải làm việc trực tiếp với Bộ Y tế để làm rõ các quy định tại văn bản 5753/BYT-MT của Bộ Y tế về xét nghiệm, tạo điều kiện cho người vận chuyển hàng hoá và tiếp tục kiến nghị về việc kéo dài hiệu lực giấy xét nghiệm COVID-19 đối với đội ngũ lái xe.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, các địa phương phải hiểu rõ, việc cấp giấy thông hành bằng QR Code chỉ áp dụng đối với phương tiện đi và đến các địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg.

Từ đó, tránh việc cấp không đúng quy định, không đúng đối tượng, phát sinh thêm thủ tục cho doanh nghiệp và lái xe.

Bộ trưởng cũng quán triệt các địa phương chưa áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg phải chủ động xây dựng phương án tổ chức giao thông.

Đồng thời, phải lên dự báo phương án tổ chức giao thông tại thời điểm ngay khi các lệnh giới hạn được dỡ bỏ.

Nhấn mạnh về vai trò của các doanh nghiệp, Bộ trưởng nêu, dù đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp và lái xe hoạt động, nhưng các doanh nghiệp, người lao động vận tải phải tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; đảm bảo người điều khiển phương tiện có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính khi lưu hành; các doanh nghiệp nêu cao tinh thần trách nhiệm kiểm tra chéo lẫn nhau.

Tư lệnh ngành giao thông vận tải cũng yêu cầu 4 Tổ kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải phải tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm khắc.

Trước đó, đề cập về tình trạng ùn tắc tại các tuyến cửa ngõ thành phố Hà Nội và Hải Phòng hai ngày qua, theo báo cáo của hai địa phương là do khi thành phố áp dụng những nguyên tắc chặt để kiểm soát dịch bệnh.

Một số lượng lớn phương tiện đang di chuyển và lái xe chưa nắm được quy định mới dẫn đến mất thời gian kiểm tra giấy xét nghiệm, hỗ trợ xét nghiệm cho lái xe và cấp giấy lưu hành…

Trước tình hình thực tế, hai thành phố cũng đã nghiên cứu các hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và thay đổi phương pháp kiểm soát dịch như: cấp giấy thông hành qua phần mềm; thông báo rộng rãi về các yêu cầu y tế đối với lái xe để lái xe chủ động xét nghiệm; kiểm tra xác suất, kiểm tra đầu cuối.

Riêng thành phố Hải Phòng, cho phép phương tiện đi đến cảng và sẽ kiểm tra trước khi cho vào cảng. Thành phố Hà Nội cũng đã lập “luồng xanh”, cấp thẻ nhận diện cho 21 phương tiện, đồng thời thông qua phần mềm của Sở Giao thông Vận tải để cấp QR Code giấy thông hành cho 1.117 phương tiện đến Hà Nội, cấp logo ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa dễ hỏng….

Chính vì vậy, đến chiều 21/7, giao thông tại Hà Nội đã đảm bảo lưu thông, không để ùn tắc kéo dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục