Ngành gỗ Bình Định lo đảm bảo nguồn lao động trong dịch COVID-19

08:09' - 15/08/2021
BNEWS Trước tình hình rất phức tạp của dịch COVID-19, ngành gỗ tỉnh Bình Định vẫn giữ vững sản xuất và mức tăng trưởng. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn lao động vẫn đang là áp lực lớn.

Tại tỉnh Bình Định, ca mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 28/6. Ngành gỗ là lĩnh vực sử dụng lao động lớn nhất của tỉnh với hơn 20.000 người nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao.

Trong giai đoạn dịch bùng phát trên cả nước, ngành gỗ Bình Định gặp khó khăn khi có 6 doanh nghiệp dừng hoạt động; 50% doanh nghiệp hoạt động dưới 50% công suất.

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Định, trong 7 tháng năm 2021, ngành gỗ tỉnh Bình Định đạt kim ngạch xuất khẩu 544,88 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm tới 71% tổng gái trị xuất khẩu của tỉnh; trong đó, có 3 dòng sản phẩm chính là đồ gỗ nội, ngoại thất, sân vườn mang về giá trị xuất khẩu 288,8 triệu USD; các loại dăm mảnh, viên nén mang lại 131 triệu USD và dòng sản phẩm từ nhựa đan/hàng giả mây 125,1 triệu USD.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định Lê Minh Thiện thông tin, giá trị ngành gỗ của tỉnh từ đầu năm 2021 đến nay tăng mạnh là nhờ khách hàng nước ngoài đánh giá cao về chất lượng gỗ của Việt Nam; trong đó Bình Định là một trong những trung tâm lớn của ngành gỗ cả nước. Sau những diễn biến phức tạp trên thế giới, đơn hàng đồ gỗ được khách hàng nhiều nước dồn về cho Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh đã tạo "luồng xanh", "vùng xanh" để các đơn vị sản xuất ổn định.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, nhà máy; trong đó có ngành gỗ giữ vững hoạt động sản xuất và có bước tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, mảng màu sáng của ngành gỗ Bình Định hiện tại có thể sẽ khó giữ vững như hiện tại trong thời gian tới vì tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong 2 quý cuối năm, tăng trưởng của ngành gỗ Bình Định sẽ giảm vì khách hàng thế giới lo lắng trước diễn biến dịch tại Việt Nam bởi họ theo dõi rất sát.

Mới đây, đã có 1 doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định bị lây nhiễm từ người nhà là lái xe đường dài. Tuy nhiên, ca bệnh đã được phát hiện sớm, ngành chức năng đã xử lý kịp thời, ngăn chặn được dịch lây lan.

Nhân lực trong lĩnh vực này hầu hết là lao động chính của gia đình. Một lao động ngành gỗ thường nuôi 3-4 người trong gia đình.

Do đó, để ngành gỗ Bình Định giữ vững được sản xuất là phải ngăn chặn được dịch COVID-19 - ông Thiện phân tích.

Giai đoạn đầu xảy ra dịch, không khí sản xuất tại các nhà máy, công xưởng khá ảm đạm và chỉ khởi sắc trở lại sau khi các đơn vị triển khai test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải đảm bảo phòng dịch cho lực lượng công nhân, thực hiện kiểm tra định kỳ...

Từ đầu tháng 8 này, hàng loạt doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định đã bắt đầu triển khai áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ" và đang xem xét đề xuất thêm phương án sản xuất "2 tại chỗ - 1 cung đường". Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã tự bỏ chi phí để mua thiết bị test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định đã đề xuất UBND tỉnh Bình Định nhiều phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực để giữ vững sản xuất; trong đó, có việc triển khai tiêm vaccine cho công nhân; xây dựng bản đồ dịch tễ đến từng thôn, xóm để doanh nghiệp chủ động quản lý nguồn lao động...

Hiện tỉnh Bình Định đang chuẩn bị phương án tiêm vaccine cho công nhân; hướng dẫn lực lượng y tế của doanh nghiệp, nhà máy nâng cao khả năng test nhanh và phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cũng yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy phải tăng cường test nhanh và khả năng tầm soát dịch bệnh, thực hiện 3 ngày một lần.

Tất cả các dây chuyền sản xuất phải an toàn ngay từ đầu vào, đặc biệt là với lái xe đường dài giao nhận hàng hóa. Các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể, chi tiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục