Ngành gỗ tận dụng từng lợi thế để đạt mục tiêu

08:29' - 25/12/2022
BNEWS Năm 2022 là một năm đầy biến động, từ chính trị thế giới, đến sự biến động kinh tế toàn cầu khiến cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành sản xuất, chế biến gỗ.
Sản xuất, chế biến gỗ tại Công ty TNHH khai thác, chế biến lâm sản Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Điều này khiến cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ phải tính từng bước đi trong giai đoạn cuối năm 2022 để đạt chỉ tiêu đề ra. 

*Tìm cơ hội trong sản phẩm ngách
Tình hình lạm phát trên thế giới diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn quý III/2022, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các đơn hàng cho những tháng cuối năm của ngành gỗ, đưa doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ vào tình thế trụ được tháng nào hay tháng đó.

Thế nhưng, bằng những nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành gỗ cũng tiến dần đến mục tiêu đã đề ra ngay từ đầu năm 2022. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2022 ước đạt 15,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 10,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2021.
Để đạt được con số xuất khẩu đó, các doanh nghiệp đã phải tận dụng từng loại phế phẩm từ ngành gỗ, luân phiên từng đơn hàng để không bị tốn đọng hàng hóa. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt chia sẻ, dù đối diện với những khó khăn như lãi suất ngân hàng ngày càng tăng tiệm tiến đến 12%/năm từ tháng 6/2022 trở đi, cộng với hiệu ứng dừng đầu tư, thi công của các doanh nghiệp bất động sản trong nước, biến động lạm phát của một số quốc gia gay gắt, nhưng ngành gỗ cũng phải tìm đường phát triển thay thế cho các sản phẩm nội thất, đó là tận dụng phế phẩm ngành gỗ, bù vào chỗ khuyết của xuất khẩu.

Trong khi xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ giảm thì xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ tăng mạnh, và Việt Nam xuất khẩu viên nén gỗ chủ yếu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu, còn dăm gỗ xuất đi thị trường Trung Quốc. Trung Quốc mua dăm gỗ làm nguyên liệu sản xuất các loại bao bì giấy và làm viên nén.
Thông tin từ những doanh nghiệp tận dụng phế phẩm ngành gỗ, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của các sản phẩm phụ, phế phẩm ngành gỗ của Việt Nam. Nếu như trước đây có nhiều doanh nghiệp cung ứng phế phẩm dăm gỗ cho thị trường Trung Quốc như Australia, Brazil, Việt Nam, thì trong giai đoạn biến động kinh tế, chỉ còn Việt Nam là nhà cung ứng.

Thiếu nguồn cung, Trung Quốc quay sang Việt Nam thu mua dăm gỗ và viên nén, thậm chí lá cây, vỏ cây họ cũng mua và để thu mua đủ nhu cầu họ phải đẩy giá mua lên gấp đôi. Nếu trước đây giá chỉ khoảng 110 USD/tấn dăm gỗ, viên nén bây giờ tăng lên 180 USD/ tấn, tăng hơn 50%.

Đây là mức tăng rất khủng khiếp nên các cây trồng mới một, hai hay ba năm tuổi người dân cũng chặt bán. Đây là điểm khơi thông cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam trong giai đoạn khó khăn nhất.
Thống kê từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cả nước có khoảng 300 cơ sở sản xuất viên nén để xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, viên nén gỗ được làm hoàn toàn từ phụ phẩm lâm nghiệp như vỏ cây, lá cây, cành cây nhỏ, đầu mẫu gỗ vụn.

Nguồn phế - phụ phẩm này được thải ra từ hệ thống các xưởng xẻ, xưởng ván bóc, xưởng dăm… Dòng sản phẩm từ phụ, phế phẩm ngành gỗ này có tiềm năng lọt vào Top các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu trị giá trên tỷ đô. Hiện sức mua của thế giới tăng trưởng rất nhanh khi mà nguyên liệu gốc nhất là nhiên liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ và khan hiếm.

Cho đến nay xu thế đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và nhà máy điện than phát thải khí CO2 ngày càng nhiều thì các nguyên liệu có tính chất bảo vệ môi trường như viên nén gỗ có thị trường rất lớn.

*Bứt phá lợi nhuận trước khó khăn
Dù tình hình nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ của thị trường thế giới giảm do tác động của lạm phát, người tiêu dùng hạn chế thay thế sản phẩm nội thất đã dùng trong vài năm, để cân đối chi tiêu cho các nhu cầu thực phẩm, sức khỏe, y tế, khiến ngành gỗ Việt Nam bị ảnh hưởng.

Nhưng những biến động từ nguồn nguyên liệu trong nước, cũng khiến doanh nghiệp phải xoay xở để duy trì sản xuất. Cũng bởi nguồn nguyên liệu thiếu, đánh mạnh vào tâm lý trữ hàng của các nhà nhập khẩu, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua khó khăn.
Đại diện Công ty cổ phần Gỗ An Cường chia sẻ, nếu như kể từ tháng 6/2022, nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam dần bị ảnh hưởng thiếu đơn hàng, thì Công ty cổ phần gỗ An Cường lại có thể kí kết hợp đồng dài hạn trong cung ứng sản phẩm gỗ với thị trường Mỹ.
Theo đó, An Cường và Tập đoàn Bất động sản SumitomoForestry America kí kết hợp tác, trở thành nhà cung ứng chiến lược sản phẩm nội thất duy nhất cho đơn vị này. Việc này vừa có thể giúp quảng bá ngành gỗ Việt Nam, vừa mở rộng cơ hội đẩy mạnh tên tuổi công ty trên các thị trường nước ngoài và tăng trưởng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của công ty.

Thêm vào đó, tại thị trường nội địa, An Cường cũng hợp tác với nhiều tập đoàn bất động sản để cung ứng sản phẩm gỗ nội thất như Vinhomes, Novaland, KeppelLand, Nam Long… Nhờ đó mà mặt hàng gỗ nội thất vẫn còn có thể tiêu thụ trong giai đoạn khó khăn này.
Ngoài những chiến lược hợp tác lâu dài của các doanh nghiệp ngành gỗ nội thất, việc tìm hướng đi để tăng lợi nhuận cho ngành gỗ cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc, thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn về Chiến lược Khách hàng và Chuỗi cung ứng KPMG Việt Nam, ngành sản xuất và ngành gỗ nói riêng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu gồm 4 cấp độ.

Đó là cấp độ hàng hóa, cấp độ sản xuất có giới hạn, cấp độ sản xuất và dịch vụ tiên tiến và cấp độ đổi mới sáng tạo.Trong 4 cấp độ này, cấp độ 4 đang là chiến lược hướng đến của nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Thế nhưng, với thời kì lạm phát kinh tế, nếu sử dụng cấp độ 1, mà có thể vực dậy được sản xuất và xuất khẩu, thì các doanh nghiệp còn có cơ hội tìm được lợi nhuận lớn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm Việt Nam có hơn 160 triệu tấn phụ phẩm được tạo ra từ sản xuất nông nghiệp, trong đó phụ phẩm ngành gỗ, cấp độ sản xuất hàng hóa là rất lớn. Với nhiều nước trên thế giới đây là nguồn tài nguyên, là đầu vào quan trọng cho nhiều lĩnh vực, tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn, bền vững.
Ông Đỗ Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Xuất Nhập khẩu lâm sản Hải Oanh chia sẻ, nhờ vào sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ, doanh nghiệp mới có thể trụ được, nếu chúng tôi chỉ xuất khẩu thanh gỗ, thì có thể sẽ không chịu nổi với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, đặc biệt là biến động lãi suất ngân hàng tăng cao như hiện nay.
Chính vì vậy, muốn trụ vững và mang lại lợi nhuận, duy trì sản xuất, dù là bất kì sản phẩm nào, doanh nghiệp cũng cần đầu tư chất lượng, dù là bán phụ phẩm ngành gỗ. Từ chất lượng, các doanh nghiệp mới có thể khẳng định uy tín trên thị trường, có được khách hàng tin cậy, phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục