Ngành hàng không hướng tới phát triển nhanh, bền vững

14:03' - 11/12/2019
BNEWS Trong quá trình phát triển của ngành hàng không nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cả phía cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực...
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
“Làm thế nào để phát triển hàng không Việt Nam nhanh nhưng duy trì sự bền vững trong một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đem đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất là điều mà cơ quan quản lý Nhà nước; trong đó có Bộ Giao thông Vận tải luôn hướng tới". Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn tại Tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 11/12, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, trong hơn ba mươi năm đổi mới, ngành hàng không Việt Nam là một trong những lĩnh vực đi đầu, đại diện cho ngành giao thông vận tải và đất nước hội nhập quốc tế mạnh mẽ và đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Sự phát triển của ngành hàng không đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, mở rộng giao thương quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong con mắt bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình 15,8 %/năm. Một điều đáng ghi nhận là mặc dù duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng hàng không Việt Nam không để xảy ra tai nạn gây tổn thất về người.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thừa nhận, trong quá trình phát triển, mặc dù đã có những thành tựu nhất định nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, cả phía cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, theo dõi khoảng 20 năm trở lại đây, tăng trưởng hàng không gắn chặt với tốc độ phát triển GDP. Tức là GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5 đến 2%. Ngược lại, nếu GDP giảm 1%, hàng không cũng sẽ giảm tương ứng. Như vậy, tăng trưởng của ngành hàng không đồng hành với nền kinh tế của đất nước.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Đinh Việt Thắng khẳng định, trong thời gian qua, thị trường hàng không phát triển lành mạnh, có sự cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách cả về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ. Đi đôi với tăng trưởng, việc đảm bảo an ninh an toàn được giữ vững. Hàng không Việt Nam đang bước sang năm thứ 24 an toàn tuyệt đối và không nhiều quốc gia có chỉ số tốt như vậy.

Tuy nhiên, theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, việc tăng trưởng của ngành hàng không với tốc độ cao thời gian qua đã và đang tạo ra khó khăn, đặc biệt áp lực về hạ tầng. Do đó, ông đề đạt mong muốn hạ tầng đáp ứng kịp tốc độ phát triển.

Vì vậy, ông Dương Trí Thành cho rằng, ngoài phát triển hãng hàng không trong nước với chính sách mở cửa, Việt Nam cũng chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ hàng không đi kèm để nâng cao chất lượng.

Các diễn giả tham dự Tọa đàm "Giải pháp để hàng không phát triển bền vững". Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không, nếu nói phát triển “nóng” là khi tiềm năng chỉ khoảng 6%, nhưng "kích" lên 6,5-6,7% là vượt quá năng lực. Còn tăng trưởng như hiện nay là mức bình thường, do cầu gia tăng trong nền kinh tế. Vấn đề cần nhìn ra là trong quá trình tăng trưởng, điểm nghẽn của ngành là gì? Vấn đề gì có thể để thị trường giải quyết, vấn đề gì để nhà nước giải quyết?

“Rõ ràng, hạ tầng là vấn đề nhà nước giải quyết. Và đề giải quyết, thì chỉ rõ điểm nghẽn là gì? Hạ tầng hàng không hiện đang tắc nghẽn ở đâu, chủ yếu là ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng ta đã có kế hoạch 3-4 năm mở rộng sân bay. Điểm nghẽn này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng của hàng không mà ảnh hưởng đến tăng trưởng du lịch và từ đó sẽ kéo theo nhiều thứ khác”, TS. Nguyễn Đình Cung nhìn nhận.

Đòng tình quan điểm này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, khi tăng trưởng nhanh đương nhiên sẽ dẫn đến những hệ luỵ và thách thức, chắc chắn sẽ phát sinh thêm điểm nghẽn, nút cổ chai.

Ông Đinh Việt Thắng chỉ ra  3 điểm nghẽn lớn của ngành hàng không, thứ nhất đó là điểm nghẽn về thể chế, chính sách. "Hiện “cái áo” chính sách của chúng ta đã chật. Khi có cơ hội phát triển, phải "cởi áo" ra, có cơ chế chính sách để tháo gỡ, giải quyết vấn đề. Vấn đề này, Cục đã xây dựng, đưa vào Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi", ông Thắng nói.

Thứ hai, là vấn đề cơ sở hạ tầng. Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất là điểm nghẽn lớn nhất. Một số cảng khác cũng sẽ trở thành điểm nóng trong thời gian tới nếu không có dự án mang tính đột phá để cải thiện năng lực. Thứ ba là điểm nghẽn lớn về nguồn nhân lực.

Nhận xét về những hãng hàng không sắp khai thác thương mại của Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, việc ra đời hãng hàng không mới là rất tốt. Thị trường Việt Nam có điều kiện phát triển, có tiềm năng, các doanh nghiệp có khả năng và năng lực mới xin thành lập hãng. Chúng tôi dự báo đến 2025, thị trường hàng không của Việt Nam sẽ có vào khoảng 150 - 180 triệu hành khách.

Với thị trường tiềm năng như vậy, việc ra đời hãng hàng không mới là xu thế tất yếu. Ông Thắng cũng đưa ra con số, xét về hãng hàng không vận tải hành khách và hàng hoá, không tính hàng không chung, Thái Lan hiện nay có 16 hãng; Singapore có 1 thành phố, 1 điểm có 6 hãng hãng hàng không; Malaysia có 10 hãng; Indonesia 20 hãng; Phillippines 12 hãng. Trong khi Việt Nam mới có 5 hãng. Như vậy, số hãng hàng không hiện rất khiêm tốn.

"Hiện có 3 doanh nghiệp đang đề xuất thành lập hãng hàng không gồm Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines. Như vậy, Việt Nam mới có 8 hãng hàng không. So với các nước xung quanh, về số lượng là chưa bằng", ông Thắng chỉ rõ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục