Ngành lúa gạo Thái Lan đối mặt nhiều thách thức

06:30' - 07/08/2023
BNEWS Ngành lúa gạo của Thái Lan phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, từ hiện tượng thời tiết El Nino, cuộc xung đột Nga-Ukraine cho đến lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường gần đây của Ấn Độ.

 

Thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về các mối đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu. Nhiệt độ cao do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra đang tàn phá các trang trại trên toàn cầu, từ Mỹ đến Trung Quốc. Trong khi đó, việc Nga rút khỏi một thỏa thuận quan trọng tạo điều kiện cho dòng ngũ cốc từ Ukraine an toàn qua Biển Đen đã làm trầm trọng thêm tình hình.

Hơn nữa, vài tuần qua đã chứng kiến thêm những lo ngại khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã thực hiện một bước đi chưa từng có là cấm xuất khẩu gạo trắng (trừ gạo basmati), chiếm khoảng 1/4 tổng số gạo của nước này. Mặc dù quyết định được đưa ra nhằm ổn định giá cả trong nước và giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực đang gia tăng tại Ấn Độ, nhưng đã làm dấy lên lo ngại về tác động đến ngành sản xuất gạo của Thái Lan, cũng như khiến giá gạo tại Thái Lan có thể tăng thêm 10%.

* Tác động của El Nino

Dựa trên dự báo của Ban Kinh tế nông nghiệp, tổng diện tích trồng lúa của Thái Lan năm 2023 (vụ thu hoạch 2023-2024) ước đạt 62,3 triệu rai (xấp xỉ 10 triệu ha), giảm 602.000 rai (96.000 ha) tương đương 0,96% so với năm trước, với sản lượng thóc đạt 25,7 triệu tấn giảm 871.000 tấn, tương đương 3,27% so với năm trước.

Diện tích gieo trồng giảm là do điều kiện thời tiết thay đổi khiến lượng mưa đến chậm và ít hơn so với năm trước. Cục Khí tượng thái Lan dự báo, tổng lượng mưa trong mùa mưa năm nay ít hơn năm trước và có thể xảy ra hạn hán, dẫn đến tình trạng thiếu nước ở các vùng sản xuất nông nghiệp, nhất là các khu vực hệ thống thủy lợi còn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào nước mưa để tưới tiêu. Do đó, một số nông dân có thể bỏ hoang ruộng của họ, và ở một số vùng, việc trồng lúa có thể bị giới hạn chỉ trong một vụ mùa.

Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết sản lượng thấp hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo, đặc biệt đối với gạo trắng và gạo đồ mà nhu cầu từ các quốc gia nhập khẩu vẫn mạnh. Đồng thời, sản lượng gạo giảm cũng sẽ dẫn đến tăng giá thóc và gạo xay xát.

Theo ông Chookiat, thông báo gần đây của Ấn Độ về việc cấm xuất khẩu gạo trắng (trừ gạo basmati) có hiệu lực ngay lập tức, dẫn đến giảm nguồn cung gạo trắng trên thị trường, sẽ tác động đến ngành sản xuất lúa gạo toàn cầu. Điều này là do Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nắm giữ hơn 40% thương mại gạo toàn cầu, tương đương 55 triệu tấn hàng năm. Do đó, người mua đã phải chuyển sang các nguồn nhập khẩu gạo khác, chẳng hạn như Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.

Tuy nhiên, ông Chookiat lưu ý rằng sau lệnh cấm của Ấn Độ, xuất khẩu gạo của Thái Lan cũng có thể gặp một số khó khăn, đặc biệt là về giá cả của các loại gạo trong các hợp đồng đã ký kết nhưng chưa giao hàng.

Các nhà xuất khẩu gạo và thương nhân trong nước có thể cần hoãn các hợp đồng mua bán vì họ cho rằng động thái của Ấn Độ có thể đẩy giá toàn cầu lên cao hơn.

Theo ông Chookiat, việc tiếp thị gạo Thái Lan trong nửa cuối năm nay dự kiến sẽ gặp nhiều thách thức, và trong ngắn hạn cả các nhà xuất khẩu cũng như kinh doanh gạo trong nước phải báo giá một cách thận trọng.

*Nguy cơ thiếu gạo?

Ông Chookiat cho rằng không nên lo lắng về việc đối mặt với tình trạng thiếu gạo vì Thái Lan có khả năng sản xuất gạo vượt mức tiêu thụ trong nước mỗi năm. Nông dân tham gia canh tác trong cả mùa mưa và mùa khô, đảm bảo nguồn cung liên tục cho thị trường.

Ngoài ra, tình hình giá gạo chưa xay xát hiện nay cao, đặc biệt là gạo trắng, điều này thúc đẩy nông dân tiếp tục trồng lúa một cách nhất quán.

Thái Lan sản xuất 19-20 triệu tấn gạo xay hàng năm, với tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 11 triệu tấn mỗi năm, đồng nghĩa với việc Thái Lan có thể xuất khẩu từ 8-9 triệu tấn gạo.

Ông Chookiat cho biết, việc cấm xuất khẩu một số loại gạo ở Thái Lan là không cần thiết vì Thái Lan có đủ lượng gạo dư thừa cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hơn nữa, áp đặt lệnh cấm xuất khẩu có thể làm xói mòn niềm tin từ các đối tác của Thái Lan, quốc gia vốn nổi tiếng lâu đời về gạo chất lượng cao.

Trong khi đó, ông Aat Pisanwanich, cựu Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc Đại học Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết, xu hướng giá gạo trên thị trường toàn cầu đang tăng lên là vì sản lượng giảm ở một số quốc gia do hạn hán, lũ lụt, cùng với lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.

Ngoài ra, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng góp phần làm giảm xuất khẩu lương thực. Theo ông Aat, Thái Lan không phải đối mặt với bất kỳ tình trạng thiếu gạo nào nên không cần áp đặt lệnh cấm xuất khẩu. Tuy nhiên, có thể có những lo ngại về giá bán lẻ trong nước lên cao hơn do nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng. Vì vậy, Chính phủ cần giám sát và quản lý chặt chẽ giá bán lẻ gạo trong nước để tránh tăng cao bất hợp lý gây khó khăn cho người tiêu dùng.

* Bối cảnh cung-cầu, thiên tai và chính trị

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo thế giới dự kiến đạt 512,4 triệu tấn vào năm 2023 và 520,7 triệu tấn vào năm 2024 so với mức 513,7 triệu tấn vào năm 2022. Trong khi đó, tiêu thụ gạo toàn cầu dự báo đạt 521,3 triệu tấn vào năm 2023 và 523,9 triệu tấn vào năm 2024, tăng so với mức 518,6 triệu tấn vào năm 2022, với thương mại gạo toàn cầu ước đạt 55,6 triệu tấn vào năm 2023 và 56,3 triệu tấn vào năm 2024, so với 56,1 triệu tấn vào năm 2022.

Ông Chookiat cho biết, ngành lúa gạo Thái Lan tiếp tục cần phát triển, đặc biệt là về hệ thống sản xuất và canh tác. Điều này bao gồm cải thiện các giống năng suất thấp, tối ưu hóa việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, cũng như áp dụng các công nghệ sản xuất khác nhau để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí, giúp Thái Lan cạnh tranh với các nước đối thủ.

Việc phát triển các hệ thống thủy lợi phải được đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn trong việc phân bổ nước cho cả tiêu dùng và mục đích nông nghiệp. Điều này rất quan trọng do điều kiện thời tiết có nhiều biến động trong những năm gần đây, dẫn đến các đợt hạn hán và lũ lụt xen kẽ nhau, gây thiệt hại cho cây trồng và làm giảm năng xuất cũng như chất lượng của chúng.

Chính phủ cần hỗ trợ và thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp. Kinh phí phải được phân bổ thích hợp cho hoạt động nghiên cứu cũng như đào tạo các nhà nghiên cứu mới. Các hệ thống dữ liệu nông nghiệp cần phải chính xác và đáng tin cậy, cho phép các bên liên quan sử dụng thông tin để lập kế hoạch trong tương lai.

Liên quan đến các mối quan tâm về môi trường, trồng lúa góp phần đáng kể vào việc phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng đến khí hậu trên toàn thế giới. Do đó, các biện pháp khẩn cấp phải được thực hiện để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu, khiến việc giảm lượng khí thải metan từ các cánh đồng lúa trở thành một vấn đề cấp bách.

Trong tương lai, các nước nhập khẩu có thể áp đặt các rào cản thương mại dựa trên phát thải khí nhà kính, khiến vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, ông Chookiat khẳng định lúa vẫn là cây trồng kinh tế quan trọng đối với nông dân và các bên liên quan trong ngành lúa gạo. Các đảng chính trị thường sử dụng các chính sách liên quan đến lúa gạo để lấy lòng dân, tập trung vào tăng thu nhập nhưng có thể không phải lúc nào cũng tạo ra lợi ích bền vững cho toàn ngành lúa gạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục