Ngành mía đường trước áp lực hội nhập

08:10' - 07/01/2016
BNEWS Liên tục 4 năm qua, ngành mía đường phải đối mặt với tình trạng tiêu thụ đường khá khó khăn, giá đường giảm.

Để nhìn nhận kết quả sản xuất và tiêu thụ của ngành mía đường trong năm 2015, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam xung quanh vấn đề nóng hiện nay của ngành.

BNEWS: Nhìn lại một năm qua, ông có thể khái quát những kết quả nổi bật về sản xuất và tiêu thụ mà ngành mía đường đã đạt được?

Ông Nguyễn Hải: Vụ 2014 – 2015 cả nước sản xuất được hơn 1,4 triệu tấn đường từ mía, sụt giảm gần 11% so với niên vụ trước, do một phần bị giảm diện tích, phần khác do khô hạn.

Với sản lượng đó thêm nguồn cung từ đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hàng năm và đường của Hoàng Anh Gia Lai mà Chính phủ cho nhập, cộng thêm tồn kho từ đầu vụ thì tổng nguồn cung khoảng 1,8 triệu tấn.

Với sản lượng này thì đường luôn dư thừa trong các năm gần đây. Ngoài ra, còn một nguồn đáng kể là đường nhập lậu có xuất xứ Thái Lan mà theo thông tin của Tổ chức Đường thế giới có thể ước khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm và có thể có thêm nguồn cung từ gian lận thương mại tham gia, góp phần gây khó khăn cho sản xuất trong nước.

Trong niên vụ 2014 – 2015, giá đường trắng loại 1 chỉ ở mức khoảng 11.000 – 13.000 đồng/kg. Bước sang vụ 2015 – 2016, lúc đầu vụ giá đường vẫn còn thấp. Tuy nhiên, hiện nay đã ở khoảng 13.000 – 14.000 đồng/kg, giá mía theo đó cũng có tăng theo.

BNEWS: Năm nay, tuy giá mía có tăng nhưng cây mía vẫn chưa thực sự có sức cạnh tranh mạnh so với nhiều loại cây trồng khác, trong khi ở một số vùng nguyên liệu, nông dân vẫn thấy bị o ép trong chuyện minh bạch về cách xác định chữ đường. Ý kiến của Hiệp hội về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Hải: Trong niên vụ 2015-2016, giá mía có tăng so với vụ trước, do giá đường tăng lên. Tuy nhiên, nhìn chung giá mía của Việt Nam luôn cao hơn giá mía của các nước trong khu vực và trên thế giới (giá mía Việt Nam khoảng 45 – 50 USD/tấn, còn Thái Lan chỉ khoảng 30 USD/tấn), trong khi tỷ lệ chi phí mía chiếm trong giá thành đường khoảng 75 – 80%. Như vậy, đường Việt Nam có tính cạnh tranh kém hơn đường thế giới.

Ngành mía đường trước áp lực hội nhập. Ảnh: TTXVN

Về thông tin có một số nông dân còn bị o ép về xác định chữ đường như báo chí gần đây có nêu có thể giải thích do việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu chưa nghiêm. Một số nơi còn có việc thỏa thuận mua xô. Một số nhà máy đường chưa áp dụng đúng cách định chữ đường.

BNEWS: Năm 2015 là năm đánh dấu sự tham gia ngày càng sâu của Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập. Theo ông, những sự kiện này sẽ tác động như thế nào đến ngành mía đường Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hải: Đối với Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chỉ áp một mức thuế 5% thì đây là mức thuế nhập khẩu rất thấp.

Đầu năm 2016 cộng đồng AEC thành lập, thuế nhập khẩu đường vẫn được áp dụng chỉ 5% cho đến năm 2018. Sau thời gian này, Bộ Tài chính đã có ý kiến vẫn duy trì mức 5% nhưng hiện vẫn chưa có văn bản chính thức.

Dù có duy trì, thì mức 5% vẫn là mức thấp trong khi giá thành đường của Việt Nam vẫn còn cao do giá mía cao nên đường trong nước sẽ khó khăn khi cạnh tranh.

Đường nhập lậu có nguồn gốc từ Thái Lan, đã từ lâu hoành hành gây khó khăn rất nhiều cho đường trong nước, số lượng lại rất lớn được nhập lậu vào Việt Nam ước khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm mà căn cứ vào số liệu thống kê của Tổ chức Đường thế giới (ISO) có thể kiểm chứng được số nhập lậu này.

Kể từ tháng 3/2015 sau khi một trong những trùm buôn lậu có biệt danh “Tỷ đường” là Vi Ngươn Thạnh (ngụ ở Châu Đốc, An Giang) bị bắt thì tình hình đường lậu có giảm hơn nên đường trong nước tiêu thụ tốt hơn.

BNEWS: Theo ông, trong bối cảnh hội nhập, ngành mía đường cần phải đổi mới như thế nào để không bị lép vế trên sân nhà?

Ông Nguyễn Hải: Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành đường trong nước cần được đối xử bình đẳng như đường của Lào theo Hiệp định thương mại biên giới Việt -Lào thì mới có thể cạnh tranh được.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường.

BNEWS: Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục