​Ngành năng lượng thế giới: Trong nguy có cơ

08:54' - 04/03/2024
BNEWS Các vụ thâu tóm đình đám của các tập đoàn dầu khí đã đưa giá trị các thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ năm 2023 lên mức kỷ lục 192 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của công ty phân tích Enverus, các vụ thâu tóm đình đám của các tập đoàn dầu khí đã đưa giá trị các thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ năm 2023 lên mức kỷ lục 192 tỷ USD, gấp hơn ba lần so với năm 2022.

Các vụ thâu tóm tại lòng chảo dầu đá phiến Permian nằm ở Tây Texas và New Mexico, mỏ dầu lớn nhất của Mỹ, tăng mạnh trong hai năm qua, khi giá dầu cao do nhu cầu mạnh sau xung đột tại Ukraine và các nhà sản xuất tìm kiếm các giếng dầu để đảm bảo nguồn cung trong tương lai.

Phó Chủ tịch Enverus, Andrew Dittmar, cho rằng lĩnh vực dầu khí đang diễn ra làn sóng hợp nhất chưa từng có như những năm cuối thập kỷ 1990 và đầu thập kỷ 2000.

Theo ông Dittmar, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2024, cho thấy khả năng thoái vốn từ nhà sản xuất dầu khí đá phiến Endeavor Energy. Trước đó, theo hãng tin Reuters, công ty có trụ sở tại Midland, Texas này có thể được định giá 25-30 tỷ USD nếu được bán.

Trong năm 2023, các vụ mua lại các tài sản về sản xuất dầu mỏ nổi trội hơn cả. Có tổng cộng khoảng 186 tỷ USD giá trị các thỏa thuận như vậy trong năm ngoái, với đề nghị của Exxon mua lại Pioneer là lớn nhất, với 65 tỷ USD.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cho biết lượng khí thải CO2 liên quan đến ngành năng lượng trong năm 2023 cao kỷ lục, mặc dù mức tăng thấp hơn so với những năm trước đó.

Trong báo cáo cập nhật hàng năm về phát thải, IEA nêu rõ lượng phát thải CO2 liên quan đến ngành năng lượng trong năm 2023 tăng 410 triệu tấn so với năm trước đó, lên mức cao kỷ lục 37,4 tỷ tấn. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với mức tăng 490 triệu tấn ghi nhận năm 2022.

Theo IEA, đây là kết quả tích cực của những nỗ lực tăng cường công nghệ sạch, trong đó có tấm pin Mặt Trời, tuabin gió, năng lượng hạt nhân hay ô tô điện. Nếu không có các công nghệ trên, mức tăng lượng phát thải CO2 liên quan đến ngành năng lượng trên toàn cầu trong 5 năm qua sẽ cao gấp 3 lần so với con số 900 triệu tấn đã ghi nhận.

 

Theo báo cáo, hơn 40% lượng khí thải carbon liên quan đến ngành năng lượng tăng lên trong năm 2023 là do tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và các nước vốn phải cắt giảm sản lượng thủy điện và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nếu không xảy ra tình trạng thiếu nước, lượng khí thải carbon toàn cầu từ sản xuất điện sẽ giảm.

Trong khi lượng phát thải carbon tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ, song các nước công nghiệp tiên tiến ghi nhận mức giảm kỷ lục, ngay cả khi nền kinh tế của họ ghi nhận tăng trưởng. Cụ thể, lượng khí thải tại các quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, do nhu cầu than giảm chưa từng thấy kể từ những năm đầu thế kỷ 20.

Ngoài ra, báo cáo cho biết năm 2023 là năm đầu tiên ghi nhận ít nhất 50% năng lượng được tạo ra ở các nền kinh tế tiên tiến đến từ các nguồn phát thải thấp như năng lượng tái tạo và hạt nhân. Tại Trung Quốc, mặc dù lượng khí thải tăng, mức tăng công suất điện Mặt Trời của quốc gia này trong năm 2023 bằng mức tăng của toàn thế giới trong năm 2022.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đã trải qua một loạt thử thách trong 5 năm qua và đã chứng tỏ khả năng phục hồi. Ông Birol đánh giá: "Một đại dịch, một cuộc khủng hoảng năng lượng hay bất ổn địa chính trị đều có thể làm chệch hướng nỗ lực xây dựng hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn. Tuy nhiên, thế giới đã chứng kiến điều ngược lại ở nhiều nền kinh tế".

Ngày càng có nhiều công ty trên thế giới đang đặt ra mức giá hoặc mức phí cho mỗi tấn khí carbon thải ra, nhằm tính toán các khoản đầu tư và kinh doanh của mình để đáp ứng các khoản thuế ô nhiễm trong tương lai hoặc các quy định mới về khí hậu khác.

Mức giá này được thiết lập từ dưới 1 USD cho mỗi tấn khí thải carbon cho đến mức 1.600 USD của nhà sản xuất dược phẩm California Amgen đặt ra, cao nhất so với bất kỳ công ty nào trên toàn thế giới.

Các cơ quan quản lý cũng đưa ra một loạt mức giá, bao gồm cả “chi phí xã hội” đối với carbon của chính quyền Tổng thống Joe Biden, ở mức khoảng 200 USD, còn đề xuất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng mức giá này ít nhất phải là 85 USD trong năm 2030.

Việc đưa chi phí phát thải carbon dioxide và các loại khí thải nhà kính khác vào các quyết định kinh doanh là “niềm mơ ước” của nhiều nhà hoạt động khí hậu trong nhiều thập kỷ qua, nhằm buộc các tập đoàn cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Giám đốc toàn cầu về biến đổi khí hậu tại CDP, ông Amir Sokolowski cho biết mặc dù có nhiều chiến lược khác để làm như vậy, nhưng việc không sử dụng công cụ này có thể dẫn đến các công ty khó có thể lập kế hoạch đầy đủ cho chi phí carbon thực tế trong trung hạn và dài hạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục