Ngành nào lợi khi nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ?
Hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Giới phân tích nhận định, điều này giúp Việt Nam từng bước tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó, đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số.... Đặc biệt, hợp tác công nghệ cao - chất bán dẫn và nhân lực ngành công nghệ cao được Hoa Kỳ ưu tiên trong chiến lược này.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhìn nhận: Các lĩnh vực có xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cấp quan hệ hai nước. Cụ thể, ngành thủy sản với các đại diện như: Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), Công ty cổ phần Camimex Group (CMX), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI), Công ty cổ phần Nam Việt (ANV)…
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may và giày xuất khẩu sang Mỹ có thể hưởng lợi như: Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH)…
Bên cạnh đó, ngành được Hoa Kỳ đề cao hợp tác đó là phát triển chất bán dẫn - đầu vào quan trọng để sản xuất trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh, máy tính, ô tô tự lái và big data. Với lĩnh vực này là Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) có sản phẩm chủ lực là phốt pho vàng là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất vi mạch điện tử, chất bán dẫn.
Lĩnh vực năng lượng cũng sẽ hưởng lợi khi tiêu thụ năng lượng cao hơn khi các nhà máy sản xuất chip nhiều hơn. Các công ty được hưởng lợi có thể là Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNE), Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2)…
Đáng chú ý, Hoa Kỳ cũng hỗ trợ tài chính để đào tạo nhân sự cho ngành bán dẫn và công nghệ cao, big data. Hiện tại, Công ty cổ phần FPT đang đào tạo trong những lĩnh vực này. Hàng không và du lịch cũng không đứng ngoài cuộc, khi lao động quốc tế sẽ tới Việt Nam nhiều hơn và thu nhập người dân trong nước tăng khiến nhu cầu đi du lịch sẽ lớn hơn. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng cũng thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.
Doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn và ngành phụ trợ tăng lên là lực đẩy cho bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt ở phía Nam, vì có tới 85% kỹ sư trong lĩnh vực thiết kế vi mạch ở Tp. Hồ Chí Minh. Dự báo sẽ có nhiều nhà máy ở vùng lân cận Tp. Hồ Chí Minh hoặc gần vùng đất hiếm. Bên cạnh đó, hàng hoá xuất khẩu tăng thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics.
Theo ông Đinh Quang Hình, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, thông tin nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa kỳ đã hỗ trợ tích cực cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, tại các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp và các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao sang thị trường Mỹ như thủy sản, đồ gỗ, vật liệu xây dựng.Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối chứng khoán Dragon Capital, với việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư Mỹ. Chiến lược này có thể chưa có tác động ngay, nhưng sẽ làm thay đổi toàn bộ ngành sản xuất của Việt Nam trong trung hạn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chip hay chất bán dẫn.
Theo chuyên gia từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nhóm ngành sẽ được hưởng lợi từ việc củng cố, nâng cấp quan hệ thương mại Việt - Mỹ bao gồm dệt may, thép, thuỷ sản, bất động sản khu công nghiệp và cảng biển.
Còn PGS. TS, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sang Mỹ về công nghiệp chế biến, chế tạo linh kiện điện tử (vi mạch, bán dẫn…). “Nhu cầu về thiết bị bán dẫn của Mỹ vẫn cao nên ngành này có triển vọng tăng trưởng tích cực”, ông Thịnh nói.
Mỹ hiện là quốc gia thứ 5 nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác toàn diện, sau Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Theo đó, Việt Nam và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác sâu rộng về mọi mặt từ điện toán đám mây, linh kiện bán dẫn cho đến trí tuệ nhân tạo. Ban đầu, Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ 2 triệu USD để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn.
Các chuyên gia kinh tế cho hay, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để chuyển từ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đơn giản, sử dụng nhiều lao động sang sản xuất và xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao hơn. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử…được kỳ vọng tiếp tục phục hồi. Bên cạnh đó, Việt Nam – Hoa Kỳ cũng đã thiết lập cơ chế “Đối thoại an ninh năng lượng”.
Theo đó, Việt Nam đề nghị Mỹ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm tư vấn chính sách, đào tạo nhân lực, hỗ trợ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận công nghệ mới, làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị. Qua đó, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng được tăng lên.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới./.
Tin liên quan
-
Hàng hoá
Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hồi phục
10:55' - 02/10/2023
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 9/2023 ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022 và tăng 16 triệu USD so với tháng trước.
-
Doanh nghiệp
Ngành dệt may phát triển bền vững – Bài cuối: Đồng bộ giải pháp
16:26' - 06/08/2023
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, muốn chuyển mình chuyển đổi phát triển bền vững nhưng thế và lực còn hạn chế.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu thông tin “châu Âu thêm rào cản với ngành dệt may”
19:07' - 27/07/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu thông tin “châu Âu thêm rào cản với ngành dệt may”, xây dựng giải pháp triển khai phù hợp.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.