Ngành ngân hàng phát động hai phong trào thi đua gắn với chuyển đổi số và Nghị quyết 57

12:00' - 27/05/2025
BNEWS Sáng 27/5 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cùng phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn ngành ngân hàng.
Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (nghị quyết 57).

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hai phong trào thi đua này thể hiện tinh thần quyết liệt, đồng bộ của ngành ngân hàng trong thực hiện các mục tiêu lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo định hướng của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động theo Quyết định 1364/QĐ-NHNN để cụ thể hóa các mục tiêu và phân công nhiệm vụ rõ ràng đến từng đơn vị trong toàn ngành. Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc để xây dựng chương trình hành động toàn diện, bao gồm 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế.

Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” không chỉ nhằm phổ cập kiến thức số cho cán bộ, công chức, người lao động ngành ngân hàng mà còn lan tỏa tinh thần học tập liên tục và làm chủ công nghệ. Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đây là hành trình dài hạn, đòi hỏi sự quyết tâm và gắn kết liên tục trong toàn hệ thống.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chia sẻ ngành ngân hàng đã gặt hái nhiều kết quả ấn tượng trong hành trình chuyển đổi số. Trong suốt 7 năm liên tiếp, ngành luôn giữ vững vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ và nhiều lần được biểu dương về tính tiên phong, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như 100% dịch vụ công trực tuyến của ngành ngân hàng đã được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 99% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước và 87% hồ sơ tại các tổ chức tín dụng đã được xử lý hoàn toàn trên môi trường số. Tại nhiều tổ chức tín dụng, hơn 90% giao dịch đã được thực hiện trên nền tảng số. Trên 87% người trưởng thành tại Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng.

Bên cạnh đó, kho dữ liệu thông tin tín dụng hiện đang lưu giữ thông tin của hơn 54 triệu khách hàng vay, đóng vai trò cốt lõi trong việc hỗ trợ quản lý tín dụng và đồng hành cùng các tổ chức tín dụng cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân; 57% ngân hàng đã triển khai các chi nhánh tự phục vụ, sử dụng công nghệ định danh sinh trắc học nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và tối ưu hiệu quả vận hành...

Theo thống kê sơ bộ từ các tổ chức tín dụng, hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, đi vào thực chất. Trong năm 2024 và đầu năm 2025, nhiều ngân hàng ghi nhận số lượng sáng kiến cải tiến quy trình, ứng dụng số hóa vượt trội. Điển hình, BIDV với 299 sáng kiến số trên tổng số 729 sáng kiến; TPBank có 135 sáng kiến số; Agribank với 120 sáng kiến; VIB đạt 101 sáng kiến; VietinBank 100 sáng kiến; Vietcombank 98 sáng kiến...

Đào tạo và nâng cao năng lực chuyển đổi số cũng là ưu tiên hàng đầu của ngành. VietinBank dẫn đầu với 90.825 lượt cán bộ được đào tạo về công nghệ và trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2022 đến giữa tháng 5/2025, theo sau là MB với 55.402 lượt, Techcombank với 50.942 lượt, Agribank với 47.148 lượt, BIDV 38.985 lượt và VIB 35.627 lượt.

Để phong trào thực sự đi vào chiều sâu và lan tỏa rộng khắp, Ngân hàng Nhà nước xác định các nhiệm vụ trọng tâm gồm: truyền thông mạnh mẽ phong trào thi đua về văn hóa đổi mới, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý cho chuyển đổi số; phát triển hạ tầng dữ liệu, lưu trữ và tính toán; tăng cường thực hành văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu và xây dựng nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu phát triển ngành trong thời đại mới.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh mỗi cán bộ trong ngành ngân hàng, bất kể vị trí nào, đều phải nâng cao kiến thức số, cần tận dụng tối đa cơ hội học tập, đồng thời phát huy tinh thần tự học, chủ động cập nhật kiến thức nếu chưa có điều kiện tham gia các khóa đào tạo. Về chuyển đổi số, Thống đốc khuyến khích kết hợp học bằng tiếng Việt, tiếng Anh và sử dụng sách nói để tiếp thu linh hoạt, mọi lúc mọi nơi. Phương pháp này giúp nâng cao cả kỹ năng số lẫn trình độ ngoại ngữ, hỗ trợ hội nhập quốc tế.

Thống đốc kỳ vọng toàn ngành xây dựng phong trào "bình dân học vụ số", gắn học tập với hành động và hiệu quả công việc thực tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục